BHXH TP Hà Nội: Phối hợp liên ngành hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho người lao động

25/02/2021 05:39 PM


Thời gian qua, Quy chế phối hợp số 1460 đã thực sự mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT. Giai đoạn 2017-2020, BHXH Thành phố Hà Nội luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố giao về tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và tốc độ gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo vệ quyền của người lao động

Theo BHXH thành phố Hà Nội, Hà Nội là một trong những địa phương có số đơn vị tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lớn nhất cả nước, đồng thời tỷ lệ nợ đóng BHXH luôn cao hơn tỷ lệ trung bình chung.

Nhằm tiếp tục đảm bảo thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, quyền lợi chính đáng của người lao động trên địa bàn Thủ đô, BHXH, sẽ tiếp tục phối hợp với 6 sở, ngành của thành phố đẩy mạnh rà soát đối tượng, hoàn thiện hồ sơ khởi tố đối với các đơn vị có hành vi gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Với quyết tâm phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH, Ban lãnh đạo BHXH Thành phố đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân các cấp, của BHXH Việt Nam, đặc biệt đã huy động được sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, thể hiện bằng việc ký kết quy chế phối hợp liên ngành số 1460/QCPH-CA-LĐTBXH-LĐLĐ-CT-BHXH (Quy chế phối hợp số 1460) ngày 21/6/2017 giữa Công an, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế, BHXH Thành phố về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện Quy chế phối hợp thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội vừa chủ trì phối hợp với Công an - Liên đoàn Lao động - Sở LĐ-TB&XH- Sở Y tế - Thanh tra Thành phố và Cục thuế Thành phố ký kết Quy chế phối hợp số 588/QCPH-CA-LĐTBXH-SYT-LĐLĐ-CT-TTTP-BHXH (Quy chế phối hợp số 588) về thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT của người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Một trong những điểm mới của Quy chế phối hợp số 588 là bổ sung cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành trong phối hợp thực hiện phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Cụ thể, BHXH Thành phố có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện rà soát, thống kê số lao động đang làm việc tại các đơn vị làm cơ sở mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, cập nhật danh sách các đơn vị đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH để tập trung phát triển, yêu cầu các đơn vị tham gia BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Sở LĐ-TB&XH có nhiệm vụ phối hợp với BHXH Thành phố thực hiện rà soát, thống kê số lao động đang làm việc tại các đơn vị làm cơ sở mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đối với các trường hợp đề nghị thanh toán chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Cục Thuế Hà Nội định kỳ hàng quý cung cấp dữ liệu về số đơn vị thành lập mới, tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, địa chỉ trụ sở để cơ quan BHXH có căn cứ xác định, phân loại số đơn vị, lao động thuộc diện tham gia BHXH nhưng chưa tham gia.

Liên đoàn Lao động Thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo công đoàn cơ sở tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đến người sử dụng lao động, người lao động để tham gia BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời thông qua hệ thống công đoàn cơ sở.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Ngăn chặn các hành vi gian lận

Quy chế phối hợp số 588 giữa 7 sở, ngành có điểm mới đáng lưu ý là đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm liên quan trong việc khởi tố đối với các đơn vị có hành vi gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Theo đó, trong giai đoạn phòng ngừa: BHXH Thành phố trao đổi chủ trương, chính sách, hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), chú trọng tuyên truyền có hiệu quả bằng hình thức mời các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH lên làm việc và tuyên truyền về các quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về BHXH, BHYT. Trước khi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, BHXH cung cấp thông tin, trao đổi và cùng với Công an Thành phố phân loại xử lý.

Trong giai đoạn xử lý: Thanh tra Thành phố trong quá trình thanh tra phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm hình sự về BHXH, BHYT thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự theo đúng thẩm quyền. BHXH có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an đối với các đơn vị có hành vi gian lận BHXH, BHYT cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Công an Thành phố điều tra, xác minh, khởi tố đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự những đơn vị có hành vi gian lận BHXH, cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động do BHXH Thành phố chuyển hồ sơ; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử để răn đe, ngăn chặn đối với những đơn vị có hành vi gian lận BHXH cố tình nợ, trốn đóng BHXH.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Theo BHXH Hà Nội, căn cứ chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Thành phố tại văn bản số 5755/UBND-KGVX ngày 10/12/2020 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quy chế phối hợp số 588 cũng cụ thể hóa quy định về việc xét khen thưởng đối với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

Theo đó, BHXH Thành phố, Công an Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế Thành phố trước khi vinh danh, khen thưởng, xét tham gia đấu thầu và đấu thầu dự án đối với các đơn vị phải yêu cầu BHXH Thành phố xác nhận về việc đơn vị có vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT không; nếu có, sẽ không xét khen thưởng các đơn vị vi phạm pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, thuế./.

 

Quang Hùng