Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc
27/01/2021 01:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 27/1, ngày làm việc thứ 3 của Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày tham luận với chủ đề: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội".
Mở đầu tham luận, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong không khí nhân dân cả nước phấn khởi, tự hào, trân trọng về những thành tựu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, chính quyền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhân dân thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay”.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ: tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (nguồn: Internet)
Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện.Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động đã hướng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
“Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và khả năng của mình, góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đại dịch COVID-19 và ứng phó với thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu lặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ” – Chủ tịch MTTQ Việt Nam phát biểu.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Qua thực tiễn hoạt động, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam như sau:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thứ ba, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.
Thứ tư, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn.
Thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc.
Ảnh: Toàn cảnh Đại hội (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt, có nơi còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng nguy hiểm và tinh vi. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Về chủ quan, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế đó là: sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; trong hoạt động, có việc chưa sâu sát, thiết thực, hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; việc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của dân có nơi chưa kịp thời; nhiều khi chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, chính kiến.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước. Các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào ta ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước; thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu đối với cấp ủy, phối hợp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống nhân dân; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin".
“Với niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trân trọng và phát huy những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được, Mặt trận nguyện mang hết sức mình, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng - khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, niềm tự hào, tự tôn dân tộc - tự tin, đổi mới, sáng tạo - hun đúc ý chí, bản lĩnh, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” – Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?