Nền tài chính quốc gia vứng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19

08/01/2021 03:19 PM


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra hôm nay, 8/1. Thủ tướng cho rằng ngành tài chính đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Chúng ta cần phải ra sức học tập, quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách, đồng thời trau dồi đạo đức cách mệnh, chí công, vô tư, cần kiệm, liêm chính, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí, quan liêu để cùng nhau tiến bộ”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020. Ảnh: VGP

Khái quát 7 kết quả nổi bật của ngành tài chính năm 2020, Thủ tướng cho biết ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với COVID-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.

Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỉ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP).

Theo Thủ tướng, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19, “con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ”. Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”, Thủ tướng nói thêm.

Năm 2021, Thủ tướng đề nghị toàn ngành phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, bám sát phương châm hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tập trung thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực tài chính – NSNN.

Thứ ba, làm tốt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại,...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 15,5% GDP.

Thứ tư, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn.

Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết ocong tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2020. Ảnh: VGP

Thứ năm, tăng cường quản lý giá, thị trường, góm phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, quản lý và phân phối hiệu quả trong những trường hợp cứu trợ cấp bách.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh phân phối bảo hiểm mới, tăng cường kết nối sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Về nhiệm vụ thứ bảy, Thủ tướng cho rằng, hiện còn một tồn tại là cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), “vậy năm nay có biện pháp gì”, do vấn đề thị trường hay thủ tục. Giải ngân vốn đầu tư công là thành công lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương nhưng giải ngân vốn ODA là một tồn tại, tồn tại nên việc tiếp theo cần khắc phục là cổ phần hóa DNNN. Cần thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa DNNN, không để chậm trễ.

Thứ tám, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính "có tâm, có tầm". Tiếp tụ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những gì gây phiền hà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp thì chúng ta nên tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất.

Thứ chín, ngành tài chính tiếp tục chủ động hội nhập tài chính quốc tế. Theo dõi tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đánh giá tác động kịp thời để điều chỉnh chính sách. Không để lạc hậu về chính sách điều hành trong quá trình hội nhập về tài chính./.

PV