BHXH tỉnh Đắk Lắk: Tích cực thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

21/02/2020 10:38 AM


Trong thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện trên địa bàn, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần theo từng năm, từng tháng.

BHXH tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Văn phòng thường trú VTV Đà Nẵng tại Đắk Lắk thực hiện phóng sự tuyên truyền về chính sách BHXH

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng, do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng đóng 1 lần, 6 tháng đóng 1 lần, 12 tháng đóng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, liên quan, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống BHXH tỉnh Đắk Lắk, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.979 người, tăng 3.347 người so với năm 2018. Tính đến ngày 31/01/2020 số người tham gia BHXH tự nguyện là 7.042 người. Như vậy, có thể khẳng định chính sách BHXH tự nguyện đã dần đi vào cuộc sống của người dân thông qua số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần theo từng năm, từng tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng gặp nhiều khó khăn. Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, thành phần dân cư khá đa dạng, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp nên chưa ý thức tự giác tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn ở mức tương đối cao, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, không ổn định.

Để thu hút nhiều người dân, người lao động tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đề ra, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai các giải pháp như:

Thứ nhất, đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW nói chung và đặc biệt là về mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương

Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng. Đẩy mạnh thực hiện tuyến tin, bài trên Trang Thông tin điện tử BHXH của địa phương.

Thứ tư, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, kịp thời phản ánh, biểu dương gương tốt, điển hình tiên tiến.

Thứ năm, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nhân viên đại lý thu BHXH. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông và kịp thời trang bị, cập nhật kiến thức BHXH cho họ.

Thứ sáu, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đảm bảo lộ trình hợp lý và có giải pháp cụ thể đối với các nhóm đối tượng.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, coi đây là cơ sở quan trọng để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện./.

Phương Thảo