Bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

15/11/2019 09:20 PM


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện...

Quy định về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Một số đại biểu cho rằng, kinh doanh có điều kiện, dù được quản lý chặt những rất dễ nảy sinh những biến tướng như kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên...

Bản chất những loại hình này là cho vay nặng lãi, có hoặc không có giấy tờ cũng được cầm đồ. Vì thế, nếu quản lý không chặt chẽ, những loại hình này sẽ trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh trật tự xã hội đối với nội dung kinh doanh có biểu hiện biến tướng trên.

Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với những chính sách mới như: bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, bổ sung đăng ký qua mạng thông tin điện tử, tuy đã có Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cần lấy ý kiến rộng rãi về những chính sách này, qua đó đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố thuận lợi, khó khăn và tính khả thi của từng chính sách./.

PV