Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao thu nhập, điều kiện sống cho công nhân lao động

13/11/2019 04:08 PM


Sáng 13/11, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ năm 2008 đến năm 2018, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra ra 1.022 vụ đình công với hơn 391.070 người tham gia. Trong đó, từ năm 2008 đến năm 2013 có 737 vụ (chiếm hơn 73 % so với tổng số vụ đình công) với 289.260 người tham gia (74% so với tổng số người tham gia). Từ năm 2014 đến năm 2018 xảy ra 285 vụ (chiếm gần 28% tổng số vụ đình công) với 101.811 người tham gia (chiếm 26% tổng số người tham gia). Đình công xảy ra ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện, điện tử.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác về xây dựng quan hệ lao động dần hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng và phương pháp xử lý các vấn đề về quan hệ lao động. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được quan tâm, tạo nền tảng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Qua đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố chuyển biến tích cực. Nếu trước đây, các vụ đình công liên quan đến đối xử của chủ DN nước ngoài không đúng quy định của pháp luật, sai trái, thậm chí là khắc nghiệt, thì hiện nay nguyên nhân chủ yếu là do các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Có được kết quả này, ngoài việc hoàn thiện dần hệ thống pháp luật, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện cho quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đã được phát huy, đặc biệt là DN FDI, giúp cho việc giải quyết tranh chấp có hiệu quả thực sự, ổn định tình hình quan hệ lao động, Thành ủy TP.HCM cũng đã quan tâm xây dựng tổ chức chính trị tại các doanh nghiệp, hạt nhân là các chi bộ. 05 năm qua, đã có 368 chi bộ, hơn 7.400 tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập mới tại các DN ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động được duy trì nề nếp.

Tuy nhiên, chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế; định chế về việc làm, hợp đồng lao động chưa linh hoạt; thu nhập của người lao động nhìn chung còn thấp; các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần tuy được tăng cường nhưng chưa bao phủ. Một bộ phận công nhân, người lao động đời sống còn khó khăn, việc làm chưa ổn định nên chủ yếu làm việc để mưu sinh, chưa tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, kể cả tổ chức công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Đoàn Trung, thách thức lớn nhất hiện nay là phải tạo sự đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau giữa doanh nghiệp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Trần Đoàn Trung, tính chất lao động việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 không còn chặt chẽ bằng những cam kết, hợp đồng cụ thể như trước đây. Trong điều kiện này, việc tạo ra lợi ích hài hòa trong nâng cao thu nhập và phát triển về văn hóa, tri thức và điều kiện sống của công nhân, người lao động là vấn đề cần quan tâm và được giải quyết triệt để trong thời gian tới./.

Nguyệt Bích