Tạo hành lang pháp lý để xử lý các vấn đề liên quan đến thông tin - truyền thông

08/11/2019 04:45 PM


Sáng 8/11/2019, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Sáng 8/11/2019, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý 06 lĩnh vực chính: Bưu chính với trọng tâm là phát triển thương mại điện tử;  viễn thông với trọng tâm là tạo ra hạ tầng số; ứng dụng công nghệ thông tin với trọng tâm là phát triển Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; an toàn thông tin mạng với trọng tâm là tạo ra an toàn trên không gian mạng; công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; báo chí truyền thông với trọng tâm là tạo không gian thông tin trung thực, lành mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực.

Trong năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển. Về xếp hạng bưu chính, tăng 5 hạng từ 50 lên 45 trong tổng số 172 nước. Chỉ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin tăng hạng từ 95 lên 41 trong 141 nước. Xếp hạng an toàn, an ninh mạng tăng từ 100 lên 50 trong số 194 nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn nhiều tồn tại như: Vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính; các loại rác viễn thông, sim rác, thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác; một số dự án nền tảng của Chính phủ điện tử còn triển khai chậm trễ; tỷ lệ các máy tính bị nhiễm mã độc vẫn còn cao; các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gia công nhiều hơn là sáng tạo sản phẩm Made in Vietnam; sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới; vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật, đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên…

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phiên chất vấn. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn tại Phiên họp, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là "báo chí nhân dân". Trong đó, có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để xử lý bất cập nêu trên và không bị động chạy theo xử lý hậu quả? 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, câu chuyện về giải pháp đối với tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với việc này. Theo Bộ trưởng, giải pháp trước hết là tạo hành lang pháp lý, xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả, người đứng đầu các mạng xã hội có hành vi tung tin giả. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng. Nguồn ảnh: Daibieunhandan.vn

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, vấn đề tin giả, tin sai sự thật chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài. Đối với quản lý nền tảng xã hội nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách với Tổng Cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội có hành vi đưa thông tin sai sự thật. Đồng thời, yêu cầu các nền tảng xã hội phải có công cụ tự động xóa bỏ những tin xấu độc đã được xác định và hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin này. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên không gian mạng. Về việc này, Bộ đã kiến nghị và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa giáo dục kỹ năng sống trên môi trường số, không gian mạng vào trường phổ thông.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc đạo đức người làm báo và một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý đối với các cơ quan báo chí dẫn tới việc các cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, chuyện khoán trắng là có, thậm chí Bộ Thông tin và Truyền thông còn nhận được những khiếu nại của cơ quan báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch báo chí. Trước mắt, trong năm 2019, việc đầu tiên là tập trung cơ quan báo chí của các hội.

Về phóng viên, công tác viên sách nhiễu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, năm 2019, Bộ đã xử lý 04 trường hợp và để hạn chế vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa cơ sở dữ liệu về phóng viên, nhà báo, để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tra cứu đúng người thật, việc thật.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng. Nguồn ảnh: Daibieunhandan

Trả lời ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và cần phải sắp xếp, quy hoạch lại theo hướng mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có lĩnh vực chuyên sâu của mình. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch sau đó 02 tháng. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, theo Bộ trưởng, hiện nay, có khoảng 05 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia, trong đó, có 03 cơ sở dữ liệu hoạt động tốt, còn 02 cơ sở dữ liệu bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư và đất đai. Đối với cơ sở dữ liệu dân cư, trong tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về dự án này để tìm ra giải pháp hướng đến mục tiêu đến năm 2020, dự án về cơ sở dữ liệu dân cư sẽ cơ bản hoàn chỉnh. Về dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) về dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 17 của Chính phủ đến năm 2020 sẽ đạt 30%, nhưng nay mới có khoảng 10% dịch vụ công trực tuyến. Để đạt 30%, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những khó khăn nhằm đẩy nhanh tốc độ liên quan đến chia sẻ dữ liệu, phát triển dịch vụ công trực tuyến, trong đó giải quyết những nền tảng số để thúc đẩy tốc độ dịch vụ công trực tuyến.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm được trục kết nối cơ sở dữ liệu. Trong năm 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu để tạo hành lang pháp lý chia sẻ dữ liệu Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; ban hành hướng dẫn thí điểm một số thành phố làm mẫu về thành phố thông minh, đến giữa năm 2020 có thể phát triển trên diện rộng./.

PV