Bước thí điểm quan trọng tiến tới thực hiện BHXH tập trung, thống nhất

Thủ đô Hà Nội - những ngày đầu của công cuộc đổi mới BHXH

23/09/2019 09:55 AM


Là Trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội của cả nước, TP.Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên được chỉ định thí điểm BHXH cho lao động ngoài quốc doanh - bước khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp đổi mới toàn diện về BHXH những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Năm 1990, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Hà Nội, bản dự thảo Điều lệ BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh trên địa bàn TP.Hà Nội được hoàn thành. Ngày 09/01/1990, UBND TP.Hà Nội ký Quyết định số 79-QĐ/UB về việc thành lập Công ty Bảo hiểm xã hội (trích nguyên văn trong Quyết định số 79-QĐ/UB-Tg) đối với lao động ngoài quốc doanh, trụ sở tạm thời đặt tại địa chỉ 22 Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm với biên chế ban đầu chỉ có 07 người. Đồng chí Chu Văn Tùy, Chánh Văn phòng Ban Kinh tế II TP.Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Công ty BHXH ngoài quốc doanh (sau này là Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, năm 2002 đã nghỉ hưu). Việc triển khai thí điểm BHXH ngoài quốc doanh là việc làm hết sức mới mẻ nên trước mắt, Hà Nội chỉ thực hiện BHXH đối với lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, chưa mở rộng đối với lao động làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. Lãnh đạo Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội và Thường trực Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đặt ra yêu cầu, kết quả thí điểm của Hà Nội không chỉ đơn thuần hướng tới việc triển khai một chủ trương, chính sách mới mà phải khái quát được kết quả thực tiễn, từ đó rút ra được bài học về đổi mới chính sách BHXH, nghiên cứu xác lập mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động BHXH phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần, để từ đó có thể triển khai rộng khắp trong cả nước.

Vào thời điểm này, lao động trong khu vực tiểu thủ công nghiệp Hà Nội đang thiếu việc làm, các chế độ BHXH được áp dụng đối với xã viên từ năm 1983 đến năm 1989 đã không còn nguồn thu để duy trì việc chi trả BHXH theo quy định của Ngành tiểu thủ công nghiệp. Đến năm 1990, BHXH khu vực tiểu thủ công nghiệp Hà Nội gần như không hoạt động. Trong một số hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội đang có phong trào xây dựng quỹ trợ giúp người già. Doanh nghiệp tư nhân mới phát triển, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, số lao động ít, sản xuất kinh doanh nhỏ. Để phát triển đối tượng tham gia BHXH, Ban lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội đã khẩn trương xây dựng chương trình hoạt động và kế hoạch thực hiện theo trình tự, từ chuẩn bị tài liệu, nội dung tuyên truyền đến người lao động và các chủ doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nguồn kinh phí được UBND thành phố cấp chỉ đủ trả lương cho số biên chế được giao và chi phí cho hoạt động văn phòng, trong khi cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác hầu như chưa có gì, Giám đốc Chu Văn Tùy và các cộng sự đã thông qua mạng lưới cán bộ chi trả các chế độ BHXH của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để triển khai chính sách BHXH xuống cơ sở. Đặc biệt, sự ủng hộ hết sức tích cực của các cơ quan truyền thông đại chúng đối với một chính sách mới trong giai đoạn này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nội dung truyền thông về BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh đã được Đài Phát thanh-Truyền hình và các báo đăng tải với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gây được tiếng vang trong dư luận xã hội, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và sự hiểu biết của người lao động về chính sách. Ngay từ những ngày đầu triển khai, đã có hàng trăm lao động đến đăng ký tham gia BHXH với mức đóng lấy giá gạo làm chuẩn, từ 04 đến 10kg/tháng/người.

Cùng với nhiệm vụ thí điểm thực hiện BHXH trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thời gian này, UBND TP.Hà Nội còn giao cho Công ty BHXH nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học “Đổi mới sự nghiệp BHXH trên địa bàn TP.Hà Nội”, Giám đốc Chu Văn Tùy được giao làm Chủ nhiệm Đề tài theo Quyết định số 671-QĐ/KHKT ngày 18/04/1991 của UBND TP.Hà Nội.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, phân tích trên 15.000 người lao động thuộc 15 cơ quan, đơn vị hành chính-sự nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố; cùng với đó, nghiên cứu, phân tích 130.000 hồ sơ của các đối tượng đang thụ hưởng các chế độ BHXH hằng tháng (hưu trí, mất sức lao động) và tổng hợp, phân tích các số liệu, tài liệu khác có liên quan từ các nguồn tài liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, Cục Thống kê Hà Nội và từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Qua nghiên cứu, đề tài đã đưa ra những kết luận và kiến nghị chủ yếu sau:

- Thứ nhất, các chính sách, chế độ BHXH đang thực hiện tại thời điểm nghiên cứu đã không còn phù hợp, ngày càng bộc lộ rõ những nhược điểm, gây ra khó khăn, ách tắc trong công tác quản lý và sử dụng lao động, đặc biệt không đáp ứng được yêu cầu của cơ chế kinh tế nhiều thành phần và không đảm bảo được quyền lợi của người lao động khi sức lao động trong cơ chế thị trường đã trở thành hàng hóa và sẽ có sự chuyển dịch không ngừng trong thị trường. Vì vậy, đổi mới hoạt động BHXH là một đòi hỏi tất yếu khách quan, trước hết cần ban hành ngay các văn bản mang tính pháp định cao với nội dung thống nhất cả về tổ chức quản lý, cơ chế hoạt động cũng như nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi hưởng BHXH.

Quán triệt nguyên tắc bình đẳng đối với mọi người tham gia đóng BHXH, không có sự phân biệt theo khu vực và thành phần kinh tế - giữa trong và ngoài quốc doanh, tức là không thể có BHXH trong quốc doanh khác BHXH ngoài quốc doanh. Sự bình đẳng này phải được quy định và bảo đảm bởi chế tài trong các văn bản pháp quy về BHXH, bảo đảm sự công bằng giữa mức đóng góp và quyền hưởng thụ BHXH. Theo đó, người lao động được hưởng chi trả BHXH trên cơ sở mức đóng góp và thời gian đóng góp BHXH.

- Thứ hai, để bảo đảm công bằng trong quan hệ về BHXH, bộ máy tổ chức BHXH phải được tổ chức và hoạt động tập trung, độc lập và thống nhất trong phạm vi toàn quốc. BHXH phải đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, hình thành Quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước, cần có sự tách bạch giữa chế độ BHXH với các chế độ ưu đãi xã hội khác.

Từ những kết quả nghiên cứu của Đề tài, đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Sau đó được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét đồng ý cho Hà Nội được ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn, xác lập mô hình tổ chức BHXH mới thực hiện chế độ BHXH chung cho người lao động cả khu vực trong và ngoài quốc doanh./.

ThS. Dương Ngọc Ánh