Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh

11/07/2019 02:28 PM


Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Năm nay, dịch SXH đến sớm hơn và số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, dịch SXH có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Đẩy mạnh phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ, nguồn TTXVN

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vào ngày 10/7 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, 60/63 tỉnh thành trong cả nước có tổng số trên 80.000 trường hợp mắc SXH, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, nhiều trường hợp đã tử vong.

Các địa phương có số ca mắc bệnh cao tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam. Tại 20 tỉnh thành khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh, cao hơn năm 2018 lên tới hơn 20.000 người tức tăng đến 139% và đã có 6 trường hợp tử vong được ghi nhận.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều ca mắc bệnh nhất với hơn 24.000 ca. Tỉnh An Giang là địa phương có số người bệnh đứng thứ 7 khu vực phía Nam chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Phước. Ngoài ra, tại tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện có hơn 3.000 trường hợp nhiễm SXH tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ.

Tại khu vực phía Bắc, riêng Hà Nội đã ghi nhận gần 1000 ca nhiễm bệnh nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 100.000 ca mắc bệnh SXH. Dự báo năm 2019 số ca mắc bệnh SXH có thể tăng vượt con số này.

Bộ Y tế lý giải nguyên nhân SXH bùng phát trong thời điểm này là do tại khu vực phía Nam, lượng mưa lớn và dày đặc hơn, số lượng mưa liên tục vào buổi chiều, nắng nóng vào sáng sớm và trưa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, phát triển và lây lan nhanh chóng. Nếu không khống chế kịp thời thì bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Vì vậy, người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu mắc bệnh này.

Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn. Hiện, Hà Nội đang duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các Trung tâm y tế quận, huyện; duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh SXH và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh./.

PV (t/h)