Năm 2019: Rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp

05/03/2019 02:55 PM


Bản chất của bảo hiểm chính là sự chia sẻ những rủi ro. Chính vì vậy, Đề án về cải cách chính sách BHXH và BH thất nghiệp cũng nhấn mạnh rằng, chính sách BH thất nghiệp thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giữa những người có trình độ, kỹ năng cao hơn, công việc ổn định hơn với những người có trình độ thấp, công việc bấp bênh hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí về việc thực hiện chính sách việc làm trong năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp

Đổi mới hệ thống dịch vụ việc làm

Đánh giá về việc thực hiện chính sách việc làm trong năm vừa qua, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, những năm gần đây, số người được giải quyết việc làm đều nằm xung quanh con số 1,5-1,6 triệu người/ năm. Điều này chứng tỏ thị trường lao động khá ổn định. Năm 2018 là năm hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, cũng là năm mà giữa giải quyết việc làm trong nước và giải quyết việc làm ngoài nước khá hài hòa, và vì thế chúng ta duy trì được tỉ lệ thất nghiệp khá thấp.

Trong năm 2018, hệ thống dịch vụ việc làm được triển khai khá tốt. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thực hiện các chính sách BH thất nghiệp cũng được chú trọng và đem lại kết quả khá tốt với doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, cũng có một điểm yếu trong giải quyết việc làm là sự tương thích giữa trình độ đào tạo với công việc mà người lao động làm. Người lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao, thời gian tìm kiếm việc làm dài hoặc làm những công việc không tương xứng với trình độ đào tạo vẫn còn là bài toán cần tiếp tục giải quyết. Trong năm 2019, Chính phủ cũng như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo lĩnh vực việc làm là phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu của thị trường, làm sao để đào tạo cả về số lượng, quy mô, cả về cơ cấu, trình độ gần hơn với nhu cầu thị trường.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong năm 2019, hệ thống dịch vụ việc làm cũng cần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đề án về cải cách chính sách BHXH có nội dung về BH thất nghiệp. Mặc dù, chính sách BH thất nghiệp về cơ bản là tốt, tuy nhiên, hiện vẫn nặng về giải quyết hậu quả, tức là khi nào người lao động thất nghiệp thì chúng ta hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo để họ có thể thích ứng với công việc mới, nhưng lại nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ví dụ như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại lực lượng lao động, bố trí lại lao động để tránh sa thải. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tiếp tục sử dụng lao động thay vì cho họ thôi việc, chấm dứt hợp đồng. Những vấn đề như lao động trung niên, từ 35-40 tuổi bị sa thải chẳng hạn thì vẫn chưa có chính sách gì để hỗ trợ, trong khi rất nhiều nước  đã có những chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp và đóng giúp một phần BHXH chẳng hạn để giảm chi phí cho doanh nghiệp để họ tiếp tục sử dụng lao động.

“Thực ra, bản chất của bảo hiểm chính là sự chia sẻ những rủi ro. Chính vì vậy, Đề án về cải cách chính sách BHXH và BH thất nghiệp cũng nhấn mạnh rằng, chính sách BH thất nghiệp thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh với những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp yếu, giữa những người có trình độ, kỹ năng cao hơn, công việc ổn định hơn với những người có trình độ thấp, công việc bấp bênh hơn. Chính sự gắn kết sẽ làm cho cộng đồng doanh nghiệp mạnh hơn và người lao động cũng được đảm bảo hơn về mặt an sinh” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong năm 2019, cần rà soát, đánh giá lại, tổng kết việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, sẵn sàng cho việc sửa đổi Luật Việc làm khi thực hiện đề án về cải cách chính sách BHXH trong đó có BH thất nghiệp. Trong năm 2019, trong lĩnh vực việc làm cũng phải xây dựng đề án về nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thực hiện chính sách BH thất nghiệp.

Đối với lĩnh vực việc làm, còn rất nhiều hoạt động khác nữa cần được triển khai như: sửa đổi một số Nghị định liên quan đến hỗ trợ việc làm. Mong muốn của chúng ta là không ai bị bỏ lại phía sau, vì thế, trong thiết kế các chính sách việc làm đều có một nội dung quan trọng là Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, rà soát sửa đổi các quy định về mức vay, thủ tục vay, về thời hạn cho vay, đối tượng cho vay… để đảm bảo được tất cả những người mong muốn tiếp cận với Quỹ thì đều có thể tiếp cận được.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Công ước về Chính sách việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng nhấn mạnh, những nước tham gia Công ước này thì đều đảm bảo rằng khi mọi người có nguyện vọng tìm được việc làm phù hợp với năng lực của mình thì đều được các quốc gia đó nỗ lực tối đa để hỗ trợ họ. Xung quanh lĩnh vực việc làm cũng còn rất nhiều các việc khác phải làm với mong muốn là duy trì được việc làm cho người lao động, tránh sa thải, việc làm ổn định bền vững thay vì những việc làm bấp bênh, không ổn định. Vì thế, cũng giống như các nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam là cố gắng chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức. Đây cũng là một trong những nội dung của đề án cải cách chính sách BHXH./.

PV