Từng bước xây dựng nền y tế thông minh

25/01/2019 05:24 PM


Việc ứng dụng CNTT của ngành y tế đang góp phần từng bước xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; Khám, chữa bệnh thông minh và Quản trị y tế thông minh.

Ký kết biên bản hợp tác về ứng dụng và phát triển CNTT trong ngành y tế giai đoạn 2019-2023.

Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ ký kết biên bản hợp tác ứng dụng và phát triển CNTT y tế giữa cục CNTT (Bộ Y tế) và Công ty Cổ phần INFOMED Việt Nam bao gồm triển khai thí điểm các giải pháp y tế từ xa (Tele-ECG, Tele-ICU), Xây dựng và triển khai các giải pháp y tế thông minh, Hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu phát triển về y tế số.

Thông tin tại lễ ký kết, PGS.TS Trần Quý Tường,  Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết, trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay ngành y tế cũng chịu tác động mạnh mẽ của CNTT, ngành cũng đã số hoá rất nhiều lĩnh vực hoạt động. Việc ứng dụng CNTT của ngành y tế đang góp phần từng bước xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; Khám, chữa bệnh thông minh và Quản trị y tế thông minh

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhờ ứng dụng CNTT mà các cơ sở y tế đẩy mạnh hiệu quả hoạt động thanh toán bảo hiểm, cải cách thủ tục hành chính như lấy số khám tự động, rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh và tạo nên sự công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số BV tuyến Trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các BV vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Các BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Nhi TW, Phụ sản TW, BV Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong khám, chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm cả một số BV ở miền núi như Điện Biên, Hà Giang, Đăk Lăk,….đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các bệnh viện vệ tinh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quý Tường, hiện nay nguồn lực dành cho CNTT y tế vẫn còn chưa tương xứng trong khi nhu cầu thì gia tăng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ Telemedicine ở các tuyến dưới. Do đó, theo ông Tường, hy vọng qua sự hợp tác này, sẽ góp phần đẩy mạnh hơn việc ứng dụng CNTT cho ngành y tế, trước mắt tập trung triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ Tele ECG tại 26 trạm y tế điểm của Bộ Y tế để các trạm này thành mô hình điểm, tiến tới sẽ là hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chuyên sâu về CNTT y tế.

Việc ký kết hợp tác này theo PGS.TS Trần Quý Tường là nhằm triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về đẩy mạnh ứng dụng CNTT của ngành y tế, trong đó có đẩy mạnh việc triển khai công nghệ Telemedicine tại tuyến y tế cơ sở.

Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác, INFOMED và Cục CNTT sẽ tiến hành triển khai thí điểm giải pháp điện tim từ xa và hệ thống Điều trị tích cực từ xa Tele-ICU tại một số trạm y tế xã thuộc đề án xây dựng 26 trạm y tế mô hình điểm.

Hiện nay ở Việt Nam, tim mạch được đánh giá là một trong bốn loại bệnh không lây nhiễm nhưng lại có số ca tử vong lớn nhất. Người mắc bệnh tim mạch ngày càng cao, các bệnh lý về tim mạch đang là mối đe doạ của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc khám sàng lọc tim mạch tại các tuyến y tế cơ sở hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn: như khó tiếp cận về địa hình; trình độ chuyên môn sâu của y tế cơ sở còn nhiều hạn chế.

Các giải pháp trên sẽ giúp giải quyết các vấn đề về chẩn đoán và tiên lượng sớm nguy cơ các bệnh lí tim mạch gặp phải; giúp người bệnh tại tuyến cơ sở nhận được chất lượng điều trị cao nhất một cách kịp thời, đặc biệt là các ca bệnh khó như đột quỵ, tim mạch, giảm được việc chuyển tuyến. Đồng thời, cũng giúp đội ngũ y bác sĩ của tuyến dưới được làm việc, thực hành cùng các đồng nghiệp tại tuyến trên, qua đó liên tục nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở./.

PV