Phiên họp thứ 30 Thường vụ Quốc hội: Quyết định nhiều nội dung quan trọng

11/01/2019 02:30 PM


Sáng 10/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 30. Trong đó, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)...

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp thứ 30 của UBTVQH chỉ diễn ra trong một ngày để xem xét, cho ý kiến và quyết định về 3 nội dung: Ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện vẫn còn 4 vấn đề lớn có ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo luật. Đó là các vấn đề về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Các đại biểu về cơ bản đều nhất trí với đề xuất quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đồng thời nhất trí với 2 điểm đề nghị của Ủy ban Tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý về nguyên tắc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, bởi mặc dù bị giam giữ nhưng phạm nhân cũng vẫn có nhu cầu lao động và lao động là quyền của phạm nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đưa ra quan điểm cần quy định rõ trong luật về 3 nội dung: Phạm nhân tự nguyện tham gia lao động sản xuất ngoài trại giam; phạm nhân được hưởng thành quả lao động của mình như thế nào; phạm nhân tham gia lao động sản xuất ngoài trại giam được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về lao động, nhất là về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hộ lao động, điều kiện an toàn vệ sinh…

Cũng tại Phiên họp này, 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành Tờ trình của Chánh án TANDTC việc cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Uỷ viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã nghỉ hưu từ 01/10/2018.

PV