Có nên trao quyền lựa chọn khoảng tuổi nghỉ hưu cho người lao động?

21/12/2018 11:09 AM


Có nên trao quyền lựa chọn khoảng tuổi nghỉ hưu cho người lao động? Có nên quy định tuổi nghỉ hưu của hai giới ở độ tuổi bằng nhau? Đây là những vấn đề được các chuyên gia đưa ra bàn luận tại Tọa đàm chính sách “8 tiếng Công bằng” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cùng các tổ chức như Oxfam, Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội.

Tại Toạ đàm, TS Đỗ Ngân Bình, Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ Luật Lao động cho biết, trong quá trình thu thập ý kiến sửa đổi Bộ Luật Lao động có 5 vấn đề nổi bật còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bên, đó là: Tuyển dụng, trả công, BHXH, thời gian làm thêm, cơ hội phát triển.

Nhằm góp ý với Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động, bà Đỗ Thị Thúy Hương - thành viên HĐQT Công ty Viettronics cho rằng: Đối với người lao động đang làm việc trên các dây chuyền, lao động trực tiếp tham gia sản xuất, cả lao động nam và nữ đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo bà Hương, về mặt giới tính, không nên phân biệt giữa lao động nam và nữ, mà độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ nên bằng nhau. Nếu có ưu tiên cho nữ giới thì có thể tùy lựa chọn khung từ 55 - 60 hoặc từ 55 – 62 tuổi; nếu người lao động ở độ tuổi nào thấy hết sức lao động thì có thể xin nghỉ. Song cũng nên tham khảo ý kiến của lao động nam về tuổi nghỉ hưu xem người ta có lựa chọn không, bởi với những khối lao động nặng nhọc thì lao động nam giới cũng có thể có nhu cầu nghỉ hưu sớm.

Bà Hương dẫn chứng, ở Nhật Bản, quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, nhưng sau 2 năm người lao động mới được lĩnh lương hưu; tức là người lao động có thể nghỉ hưu trước để đảm bảo sức khỏe, còn phúc lợi xã hội thì nhận sau đó.

Đứng từ góc độ đại diện cho người lao động, bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ: “Pháp luật nên xem xét lại nhu cầu nghỉ hưu sớm của lao động nam. Quan điểm về bình đẳng của người lao động thật sự quan trọng. Việc quy định nghỉ hưu không bình đẳng sẽ đem đến những bất lợi. Không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế sẽ không hiệu quả, không năng suất nếu mất đi một bộ phận lao động còn khả năng lao động nhưng đã phải nghỉ hưu. Vì vậy, nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn”. 

Ảnh minh hoạ (nguồn Internet) 

Về phương diện cá nhân, mặc dù TS Đỗ Ngân Bình đồng tình với quan điểm người lao động cần có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ pháp luật lao động, bà Bình cho rằng: Khi đặt điều luật trên trong tổng thể luật pháp, thì việc để người lao động được lựa chọn quãng thời gian tuổi nghỉ hưu sẽ không đơn giản. Nếu văn bản luật để người lao động có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ từ 55-60 tuổi), khi đó, doanh nghiệp sẽ luôn rơi vào trạng thái bị động về nhân lực, vì không biết người lao động sẽ nghỉ khi nào.

TS Đỗ Ngân Bình phân tích thêm: Nếu trong luật có ghi rõ "Người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng khi người lao động tới độ tuổi nghỉ hưu" thì rõ ràng không thể thống nhất ngay từ đầu trong hợp đồng được, trong trường hợp họ được lựa chọn một khoảng tuổi nghỉ hưu, như thế là trái với luật. Vì vậy, vấn đề này cần được tính toán và cân nhắc trong tổng thể chính sách và pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương lại cho rằng, việc đưa khung về độ tuổi nghỉ hưu không gây khó khăn với doanh nghiệp. Lý do là việc điều chỉnh trong khung thời gian nghỉ hưu (nữ từ 55 - 60 tuổi và nam từ 60 -62 tuổi) căn cứ trên hợp đồng. Chủ sử dụng lao động và người lao động có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe và vẫn theo khung quy định ở độ tuổi của pháp luật quy định.

Theo dự thảo Bộ Luật Lao động do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi và thực hiện từ năm 2021. Về lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).

PV