Giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hà Nội

20/12/2018 05:27 PM


Sáng 20/12, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên HĐQL BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố.

Tham gia Đoàn giám sát còn có Thứ trưởng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Văn phòng HĐQL BHXH Việt Nam, Vụ TCCB, TTGĐ BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Ban Dược và Vật tư y tế, Báo BHXH; đại diện PC 46, Văn phòng (Bộ Công an) và đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế).

Về phía UBND TP Hà Nội có ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP, đại diện Sở Y tế, Tài chính, LĐ-TB&XH, LĐLĐ, Cục Thuế, Thanh tra, Công an thành phố đại diện lãnh đạo 10 bệnh viện lớn trên địa bàn...

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành - Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hà Nội.

Tỷ lệ bao phủ BHYT luôn đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao

Phát biểu tại buổi giám sát, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định: Vấn đề BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng trong 3 trục xã hội (liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn và an sinh), nếu không quản lý chặt chẽ sẽ liên quan đến an ninh phi truyền thống. Đồng thời, BHXH cũng là chính sách được Trung ương quan tâm, từ năm 2012 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020. Trên tinh thần đó, năm 2014 Quốc hội đã ban hành luật BHXH sửa đổi có hiệu lực năm 2016, Luật BHYT sửa đổi bổ sung và đến năm 2018 Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. BHXH đã bao quát hầu hết các chính sách BHXH và Việt Nam đã thông qua 8/9 chính sách BHXH; đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng, số người thụ hưởng chính sách ngày càng tăng, dần hướng tới yêu cầu chia sẻ với những người ốm đau, tai nạn, bệnh tật...

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng cho biết: Quỹ BHXH đã tạo lập tập trung dựa trên nguyên tắc có đóng- hưởng; công tác KCB, cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng 3 giảm (giảm thời gian, chi phí và giấy tờ). Song qua đánh giá chung, tỉ lệ bao phủ BHXH còn thấp, mới có 29% tổng số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, còn hơn 34 triệu người chưa tham gia; công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT còn bất cập; vẫn còn tình trạng vi phạm, trốn đóng, nhất là khu vực DN. Qua giám sát tại một số địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị) cho thấy ngoài sự nỗ lực cao cũng còn vấn đề lưu ý (tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú- mổ phaco nằm viện 6-7 ngày; phụ nữ sinh cũng nằm viện từ 5-7 ngày...) tìm giải pháp hướng phát triển bền vững của BHXH hiện nay…

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Hoà- Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu bao phủ BHYT luôn đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, đến hết tháng 11/2018, ước vượt 1,2% so với chỉ tiêu của Thủ tướng giao; đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình năm 2018 tăng 86% so với năm 2016 với 545.503 người. Số người tham gia BHXH luôn tăng cao, đến 11/2018 đã có trên 1,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm 35,52% lực lượng lao động- hoàn thành Nghị quyết số 28 về chỉ tiêu bao phủ BHXH bắt buộc. Đặc biệt, năm qua thành phố đã khai thác phát triển được 12.475 DN đăng ký tham gia BHXH (tăng 29% so với năm 2017) với 38.133 lao động tham gia BHXH, BHYT.

Về tình hình KCB BHYT, giai đoạn 2010- 2015, quỹ BHYT trên địa bàn các năm có chi KCB luôn thấp hơn số thu quỹ BHYT. Song từ năm 2016 đến nay chi phí KCB BHYT số chi KCB cao hơn số thu quỹ BHYT (năm 2016 là 153.401 triệu đồng; năm 2017 là 804.754 triệu đồng; năm 2018 ước 1.059.146 triệu đồng- chi vượt 13,4% quỹ (khoảng 1.059 tỉ đồng). Điều này tần suất KCB năm 2017, 2018 gia tăng 0,4 lần năm 2016 và số lượt KCB BHYT năm 2018 tăng 8,1% so với năm 2017; tỉ lệ chỉ định bệnh nhân vào nội trú chung toàn thành phố cao hơn bình quân chung toàn quốc 6,34% (BV thể thao cao hơn 12,4%; BV Nam Thăng Long cao hơn 11%; BV Mỹ Đức cao hơn 13,9%; BV Phúc Thọ cao hơn 7%; BV Hoài Đức cao hơn 10%...); số ngày điều trị một số bệnh kéo dài như mổ Phaco (BV YHCT Quân đội 22 ngày, BV Thanh Nhàn 13 ngày, BV Bạch Mai 7,6 ngày); mổ đẻ (BV YHCT Hà Nội 6,5 ngày; Thanh Nhàn 5,8 ngày...). Đặc biệt, chi phí tiền giường trong tổng chi phí bảo hiểm thanh toán nội trú chiếm tỉ lệ tăng (năm 2016 chiếm 13%, năm 2017 chiếm 17% và 2018 chiếm 15,7%).

Nhận định tình hình sử dụng quỹ BHYT tại Hà Nội, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho rằng, năm 2018 Thủ tướng giao quỹ KCB BHYT trực tiếp cho các địa phương, số quỹ giao cho Hà Nội vượt cả số thu BHYT- số quỹ của Hà Nội khá lớn để chi cho năm 2018 nhưng tại sao vẫn bội chi. BHXH Việt Nam đã chỉ ra một số nguyên nhân và rõ ràng chi phí bình quân của Hà Nội (có nhiều BV trung ương và nhiều BV tuyến huyện và như TP. Hồ Chí Minh), nhưng tỉ lệ chi chung gấp 1,7 lần TP HCM; chi bình quân nội trú gấp 2 lần toàn quốc và gấp 1,3 lần TP HCM- đây rõ ràng có sự chi cao so toàn quốc và TP HCM. Đặc biệt trong chi KCB tăng có 1 số vấn đề chi chỉ định những dịch vụ kỹ thuật cao, có những BV so với năm 2017 chi chẩn đoán hình ảnh tăng đáng báo động như BV Sơn Tây tăng 51,5%; BV YHCT (Bộ Công an) tăng 43%- chỉ định tăng.

Bên cạnh đó, vấn đề chỉ định và điều trị nội trú cũng lớn 15,4% so với số bệnh nhân đến khám. Trước chưa thực hiện Thông tư 37, 15 chỉ tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 10% song giờ lên 15% (Mỹ Đức 23%, Hoài Đức 19,4%). Một năm Hà Nội có 1,6 triệu bệnh nhân điều trị nội trú, nếu giảm 5% số bệnh nhân vào điều trị nội trú thì tiết kiệm được 320 tỉ đồng; ngày điều trị trung bình kéo dài nhiều, so với toàn quốc gấp 1,27 lần và 1,33 lần so với TP HCM. Nếu giảm được số ngày điều trị 1 bệnh nhân/ngày thì với 1,6 triệu thì giảm 320 tỉ- giảm chi phí điều trị và giảm ngày điều trị thì giảm được 600- 700 tỉ- đảm bảo không vượt quỹ của Hà Nội. “Liên quan vấn đề thuốc đang có sự chỉ định rất lớn, nhất là thuốc hỗ trợ. WHO cũng khuyến cáo Việt Nam sử dụng quá nhiều thuốc trong điều trị cũng như thuốc hàm lượng không phổ biến; sử dụng vật tư y tế cao tiền, giá cả khác nhau giữa các địa phương. Đơn cử trung tâm mua sắm đấu thầu Hà Nội mua thủy tinh thể 3,6 triệu, nhưng cũng cùng loại đó thì BV Mắt TƯ mua giá 3,3 triệu và Nghệ An là 3,25 triệu…”- ông Phúc khẳng định.

Theo ông Đàm Hiếu Trung - Giám đốc TT Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, liên quan đến xét nghiệm Hà Nội sớm triển khai và liên thông cũng như công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, đặc biệt Hà Nội có các phòng xét nghiệm chẩn và đây cũng là cam kết của Bộ trưởng Bộ Y tế trước chất vấn của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Bên cạnh đó, đối với khám cấp phát các loại thuốc nội trú cho người bệnh THA, tiểu đường theo quy định Nghị định 146 các bệnh tuyến TƯ nghiên cứu cấp nội trú cho bệnh nhân về tuyến dưới điều trị, ít nhất bệnh nhân không phải di chuyển khoảng cách xa đến các BV Trung ương khám lấy thuốc… “UBND thành phố quan tâm trang bị thêm các xét nghiệm, dịch vụ chẩn đoán hình ảnh để cho các TTYT gửi bệnh phẩm lên xét nghiệm. Hà Nội vượt chi phí KCB gần 1.000 tỉ đồng, trong đó đối tượng Hà Nội phát hành thẻ BHYT là 475 tỉ đồng, do đó BHXH Hà Nội chủ trì cùng Sở Y tế tham mưu cho UBND TP những nguyên nhân khách quan, chủ quan và có giải pháp”- ông Trung đề xuất.

Toàn cảnh buổi giám sát.

Tăng cường phối hợp thực hiện đúng quy định

Tham gia ý kiến tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hồng Dân- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ngành LĐ-TB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH và các ngành khác; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT được quan tâm. Nhờ đó, ngành lao động đã tham mưu cho UBND TP nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đơn cử, với BHYT HS, có những quận huyện đạt 100% học sinh tham gia BHYT thì để có tỉ lệ này các huyện đã chỉ đạo trường nào có tỉ lệ học sinh tham gia ít phải phân loại học sinh là con đảng viên, công chức… có biện pháp nhắc nhở. Đồng thời, Hà Nội cũng kịp thời biểu dương những đơn vị tốt và kiên quyết công khai danh sách đơn vị nợ đọng BHXH. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền đã tăng cường song hiệu quả chiều sâu còn hạn chế nên Hà Nội đã phối hợp đối thoại với NLĐ, người SDLĐ giúp đơn vị hiểu sâu hơn về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. “Trong vấn đề nợ đóng BHXH, Hà Nội vẫn còn cao hơn cả nước, do đó thời gian tới cơ quan BHXH cần phân tích nợ theo loại hình đơn vị sản xuất để có giải pháp đôn đốc. Số DN tổng hợp ở các ngành khác nhưng thực tế số DN hoạt động thì cơ quan BHXH phối hợp xác định tình trạng hoạt động của DN- giảm tỉ lệ số DN nợ”- ông Dân khẳng định.

Để giảm tỉ lệ nợ đóng BHXH, đại diện Công an thành phố cho rằng, thời gian qua Công an thành phố đã chủ động phối hợp với cơ quan BHXH trong thanh kiểm tra cũng như thu hồi nợ đóng BHXH. Năm 2018 Công an chủ động cử hơn 60 lượt cán bộ tham gia cùng 2 phòng của BHXH để đôn đốc, kiểm tra tại 194 đơn vị, thu hồi hơn 40 tỉ đồng nợ BHXH, BHYT. Qua thực tiễn theo dõi cơ quan Công an thấy việc đóng BHXH của các đơn vị từ năm 2018 đến nay cơ bản dóc, song tồn đọng từ năm 2017 trở về trước còn cao- thực tế tồn tại. Cơ quan Công an và BHXH TP đề nghị cấp trên nghiên cứu xem xét giãn hoặc có cách cho các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT từ năm 2017 trở về trước.

Cũng theo đại diện Công an TP, Bộ luật Hình sự có hiệu lực, nhất là Điều 219 quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT thì các chủ DN có ý thức hơn về đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, nhất là từ đầu năm 2018 trở lại đây. Thời gian tới, phòng  PC13 sẽ tích cực chủ động phối hợp để triển khai đôn đốc thu hồi nợ BHXH, đặc biệt tuyên truyền cho NLĐ cũng như chủ DN thấy trách nhiệm của mình trong thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH- đây là tiêu chí NLĐ yên tâm làm việc. Đồng thời, phòng PC13 cũng động tiếp nhận hồ sơ do cơ quan BHXH trong quá trình đôn đốc thấy vi phạm, chủ động điều tra xác minh xử lý, tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa và chính sách an sinh xã hội trong việc đóng BHXH, BHYT.

Đồng tình với tình trạng sử dụng chi phí KCB BHYT, bà Trần Thị Nhị Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH cũng như các cơ sở y tế nhằm kiểm soát tốt chi phí KCB BHYT. Nếu những đơn vị vượt chi phí mà nguyên nhân chủ quan ngành y tế có biện pháp xử lý, song nếu vượt chi phí do nguyên nhân khách quan, Sở Y tế mong muốn được bổ sung thêm chi phí. Đặc biệt, Bộ Y tế sớm hoàn thiện ban hành quy trình thanh tra để Sở Y tế triển khai đảm bảo sự minh bạch, cũng như có hình thức xử lý phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, cũng cần có phần mềm thống nhất, minh bạch trong sử dụng dịch vụ y tế…

Tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, bên cạnh những mặt tích cực trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT thì tỉ lệ bao phủ BHXH bắt buộc của Hà Nội vẫn chưa tương xứng, nhất là tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện; tỉ lệ nợ đóng, chậm đóng BHXH còn cao so với bình quân chung toàn quốc; quỹ BHYT vẫn vượt và có nguy cơ tăng. Vì vậy, qua đây UBND TP tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đồng thời TP cũng tiến hành phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện BHXH, BHYT để thời gian có những giải pháp tốt nhất. “Liên quan đến BHYT, số lượng người khám bệnh nhiều- ốm nhiều; tỉ lệ vào điều nội trú nhiều- ốm nặng; ngày điều trị bình quân cao- nguyên nhân do gì, thuốc sử dụng nhiều, chẩn đoán hình ảnh cao- ngành y tế, đặc biệt BV phải xác định nguyên nhân từ đâu để có giải pháp khắc phục…”- ông Quý phân tích.

Trước đó, chiều ngày 19/12, Đoàn giám sát HĐQL BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH TP. Hà Nội, BV đa khoa Hà Đông và BV Nội tiết Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT./.

PV