Đảm bảo khám chữa bệnh trong điều kiện nắng nóng

04/07/2018 09:35 AM


Ngày 3/7, Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các BV trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành bảo đảm công tác KCB trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.

Ảnh minh họa.

Công văn nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc có xu hướng cao hơn nhiệt độ trung bình một vài năm gần đây. Trong thời gian tới, có thể tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các Ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tăng cường chỉ đạo và thực hiện một số công việc sau:

Tại khoa khám bệnh, tiếp tục duy trì thực hiện tốt Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; rà soát, áp dụng hiệu quả các nội dung trong Bộ tiêu chí chất lượng, bệnh viện Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế), đặc biệt là phần A “Hướng đến người bệnh” như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện); cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; bố trí đầy đủ bàn khám; Sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Tại khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước uống miễn phí, nước sạch cho người bệnh. Không để hoặc hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép; tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

Bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa... Chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…

Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

PV