Năm 2019 trình Quốc hội Bộ luật Lao động (sửa đổi)
03/01/2018 10:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức hội nghị Người sử dụng lao động 2017 đối thoại với doanh nghiệp về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân; Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, khi nói về phát triển kinh tế phải bắt đầu từ lao động việc làm, nhân tố quan trọng để đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là “cỗ máy” tạo việc làm nhiều nhất của Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có 120 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Trung bình, 1 doanh nghiệp giải quyết 10 việc làm thì 1 năm những doanh nghiệp này giải quyết được 1,2 triệu lao động và chưa kể lao động huy động thêm từ những doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Theo số liệu khảo sát từ VCCI, có gần 70% các doanh nghiệp ở Việt Nam có ý định mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới thì mục tiêu 1,8 triệu lao động hàng năm hoàn toàn khả thi.
Các đại biểu chủ trì hội nghị.
Để tạo nhiều việc làm cho người lao động cần tạo môi trường tốt để các doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Việt Nam có lợi thế để phát triển kinh tế, tạo việc làm, trong bài phát biểu tại APEC 2017, Tổng thống Mỹ khẳng định “Việt Nam là 1 trong những trái tim của khu vực Châu Á”, Việt Nam là trung tâm của nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn với gần 100 triệu dân. Nhưng tài nguyên lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chính là nguồn lao động trẻ. Hiện dân số Việt Nam đang có cơ cấu dấn số vàng, lực lượng lao động trẻ, khi những lao động này có việc làm sẽ trở thành tầng lớp trung lưu của xã hội là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn.
“Để thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả cần có khung chính sách lao động tốt. Hệ thống pháp luật thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và phù hợp với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia. Bộ luật Lao động 2012 được đánh giá tiến bộ so với các nước trong khu vực nhưng sau nhiều năm thực hiện, qua thực tiễn doanh nghiệp gặp vướng mắc cần giải phóng để phát triển thị trường lao động về: Hợp đồng lao động, tiền lương trong đó có tiền lương tối thiểu, làm thêm, việc làm cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thương lượng tập thể, đình công, bảo hiểm xã hôi,… nhiều vướng mắc cần được giải quyết thể hiện yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Chúng ta hy vọng trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động và BHXH sẽ thúc đẩy được sự phát triển của doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bộ luật lao động sửa đổi sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Mai Đức Thiện cho biết, theo lộ trình từ tháng 3-5/2019 sẽ trình cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về Bộ luật Lao động sửa đổi. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ sửa đổi tất cả các điều khoản mà tổng kết thi hành gặp vướng mắc, bất cập cũng như các vấn đề mới phát sinh từ thực tế mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp 2013 về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, nâng cao vai trò vị thế của công đoàn trong quan hệ lao động; đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tại hội nghị, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, Bộ luật Lao động sửa đổi cho phép doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nghỉ quá 05 ngày không có lý do thay vì kỷ luật sa thải. Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung ngành dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động. Về làm thêm giờ, Hiệp hội đề nghị tăng giờ làm thêm lên không quá 04 giờ/ngày và không quá 400 giờ/năm. Bộ luật Lao động sửa đổi cần nghiên cứu quy định để người lao động không lợi dụng trợ cấp thôi việc. Để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nên quy định người lao động làm đủ 12-24 tháng được hưởng 02 tháng lương thất nghiệp, sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 01 tháng lương để tránh người lao động nhảy việc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, quan điểm sửa Bộ luật Lao động là giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động, quan trọng là nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm. Bộ luật Lao động sửa đổi đảm bảo phát triển cung cầu thị trường lao động đồng thời quan tâm phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội. Song song đó, Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc nhiều thâm niên mà phụ thuộc vào năng suất, kỹ năng lao động./.
Theobaodansinh.vn
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...