Đảm bảo thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội
02/12/2017 06:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những đánh giá được các thành viên Chính phủ đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 tổ chức ngày 01/12/2017, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Ảnh VGP.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017; các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới); về đề nghị xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch; tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 11 năm 2017 và một số báo cáo quan trọng khác…
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả kinh tế - xã hội toàn diện mà đất nước ta đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2017; khẳng định “những con số mà chúng ta ước báo cáo Quốc hội thì qua tình hình tháng 11 khẳng định chúng ta đã nhận định đúng. Trong quá trình xây dựng báo cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét con số một cách hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, cụ thể”.
Nhấn mạnh chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, khối lượng công việc còn rất lớn nên không được chủ quan, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung phân tích, lý giải rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục; chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm 2018, trong đó lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết số 01 về điều hành kinh tế - xã hội năm 2018.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong xu hướng giảm, đến hết tháng 11 tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay giảm nhẹ và ổn định.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng vượt bậc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2017 tăng 17,2% so với tháng 11/2016; tính chung 11 tháng, IIP tăng 9,3% so với cùng kỳ. Dịch vụ phát triển ổn định; du lịch tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch và thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước tăng 10,7%; tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt khoảng 11,6 triệu lượt người, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 194 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD. Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện đồng bộ; tình hình dịch bệnh được kiểm soát; kịp thời ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ góp phần giảm bớt thiệt hại của nhân dân. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được duy trì ổn định.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh VGP.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tháng 12/2017 và đầu năm 2018.
Theo đó, về xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nghị quyết phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, giảm thiểu tình trạng đưa nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên của bộ ngành vào dự thảo và đặc biệt là “không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm cho năm nay”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, trong đó có giải pháp thực hiện trong năm, có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội ngay từ đầu năm 2018.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tháng 12/2017 và đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ sẽ tăng cao, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh; các bộ, ngành, địa phương cần tận dụng tối đa cơ hội này cho phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung mạnh vào khâu thực thi; người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát; tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn…
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, trong đó đặc biệt chú ý chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất, thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đẩy mạnh hơn nữa đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con”. Triển khai hiệu quả các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, nguồn nước để chỉ đạo địa phương vận hành công trình thủy lợi; tăng cường phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ sản xuất.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tăng cường kiểm tra an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Điều tra, xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non. Trợ giúp kịp thời, đúng chính sách cho người nghèo và đối tượng yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội; nắm chắc tình hình đời sống người lao động và nhân dân, đề xuất giải pháp thiết thực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt chú ý vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý cần không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo đảm toàn giao thông và phòng chống cháy nổ; thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường kỷ luật phát ngôn. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền sai sự thật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của hà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ./.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...