Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại tạo thuận lợi cho người bệnh BHYT
15/01/2025 03:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế nêu rõ, theo Thông tư 01, không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi để xin cấp lại phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT theo mẫu mới
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi BHXH Việt Nam; Sở Y tế tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.
Không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi để xin cấp lại phiếu chuyển tuyến theo mẫu mới
Theo Bộ Y tế, Thông tư 01 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, qua phản ánh của một số cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT liên quan đến việc thực hiện các quy định về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT của Thông tư, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các quy định của Thông tư như sau:
Điểm đ khoản 5 Điều 15 của Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định: "Các mẫu giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP được tiếp tục sử dụng đến khi BHXH Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn thành việc cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo mẫu Phiếu hẹn khám lại và Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định tại Thông tư này nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2025".
Như vậy, trong quá trình cập nhật, hoàn thiện phần mềm, cả hai mẫu phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 01/2025/TT-BYT và giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ đều được tiếp tục sử dụng đồng thời, có giá trị như nhau để làm căn cứ khám, chữa bệnh BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi để xin cấp lại phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh theo mẫu mới.
Đồng thời, đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương cập nhật, hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động khám, chữa bệnh BHYT để cấp phiếu hẹn khám lại và phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo mẫu mới.
Thời hạn sử dụng của giấy chuyển tuyến, hẹn lại thế nào?
Bộ Y tế cho biết tại Điểm c khoản 5 Điều 15 của Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định: ''Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được sử dụng đến hết thời hạn có giá trị sử dụng của giấy theo quy định tại Thông tư này, trường hợp giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch hết thời hạn có giá trị sử dụng từ ngày 01/1/2025 mà người bệnh vẫn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến được sử dụng đến hết đợt điều trị;"
Do đó, đối với các giấy chuyển tuyến đối với các bệnh, nhóm bệnh quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16 /11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng 01 năm kể từ ngày ký theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 15 Thông tư số 01/2025/TT-BYT hoặc được sử dụng hết đợt điều trị trong trường hợp giấy chuyển tuyến theo năm dương lịch hết thời hạn sử dụng kể từ ngày 01/01/2025.
Tên cơ quan chủ quản ghi trên Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT được ghi phù hợp với tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám, chữa bệnh. Ví dụ: Cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Sở Y tế ghi đơn vị chủ quản là Sở Y tế, cơ sở khám, chữa bệnh thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện ghi đơn vị chủ quản là UBND huyện, bệnh viện tư nhân trực thuộc Công ty A thì ghi cơ quan chủ quản là công ty A.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối với Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến được cấp trước ngày Thông tư số 01/2025/TT-BYT có hiệu lực và được tiếp tục sử dụng thì không bắt buộc phải ghi lại mã bệnh và ghi lại thời hạn chuyển cơ sở khám, chữa bệnh trong 01 năm trong giấy đã cấp. Cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nơi tiếp nhận người bệnh căn cứ vào tên bệnh trong giấy chuyển tuyến của người bệnh đã được chuyển tuyến theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT để xác định đúng mã bệnh và quyền lợi cho người bệnh.
Từ ngày 01/01/2025, trường hợp cấp mới phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phải theo tên bệnh, mã bệnh ban hành kèm theo phụ lục III của Thông tư số 01/2025/TT-BYT để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và thực hiện các quy định về giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giám định, thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT, trong đó có nội dung thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo cả hai mẫu phiếu (mẫu mới và mẫu cũ) trong thời gian chuyển giao.
Sở Y tế phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của Thông tư số 01/2025/TT-BYT.
Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai các quy định của Thông tư số 01/2025/TT-BYT và các nội dung nêu trên để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và thực hiện đúng quy định hiện hành./.
Theo suckhoedoisong.vn
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...