Phát triển BHYT đồng hành với giảm nghèo bền vững
12/06/2023 02:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hằng năm khi các địa phương đạt kết quả tích cực trong giảm nghèo, cũng là lúc công tác phát triển BHYT phải đối mặt với áp lực nhất định. Số người thoát nghèo, thoát cận nghèo sẽ không còn thuộc diện được NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT, nên cơ quan BHXH phải nỗ lực vận động tăng mới để bù đắp vào số giảm đi.
Hải Hậu là huyện ven biển thuộc tỉnh Nam Định. Từ năm 2015 trở lại đây, Hải Hậu được ghi nhận luôn thuộc top đầu về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đây còn là một trong 4 huyện được Trung ương chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, số người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại Hải Hậu cũng giảm đi từng năm, kéo theo số người thuộc diện được NSNN và ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ đóng BHYT giảm đi.
Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại xã Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định)
Do đó, áp lực phát triển BHYT hộ gia đình để bù vào số giảm đi cũng rất lớn với cơ quan BHXH. Đơn cử, trong năm 2023, huyện Hải Hậu giảm hơn 9.400 người thuộc hộ cận nghèo và giảm hơn 3.600 người thuộc hộ nghèo. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ bao phủ BHYT tại Hải Hậu giảm đáng kể. Vì thế, bài toán đặt ra cho cơ quan BHXH trong năm 2023 là phải nỗ lực vận động, phát triển BHYT hộ gia đình để bù đắp lại số giảm đi.
Một số địa phương tại Nam Định như: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực... cũng gặp tình cảnh tương tự. Dù vậy, áp lực tại Hải Hậu là lớn nhất do số giảm BHYT nhiều nhất. Đáng nói, tình thế này không cục bộ, mà diễn ra tại hầu khắp các địa phương trong toàn quốc. Thông kê cho thấy, trong năm 2023, cả nước có 450.000 người thoát nghèo; 455.000 người thoát cận nghèo. Như vậy, có khoảng 905.000 người không còn thuộc diện được NSNN hoặc ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ đóng BHYT.
Câu chuyện người dân thoát nghèo, thoát cận nghèo và không còn thuộc diện được hỗ trợ đóng BHYT không hề mới. Do đó, hầu như năm nào cơ quan BHXH cũng phải tìm cách vận động tăng số tham gia BHYT mới, để bù đắp vào số đã giảm. Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, ngoài tham mưu chính sách hỗ trợ người cận nghèo, BHXH các địa phương rất chú trọng xây dựng cơ chế hỗ trợ cả với nhóm mới thoát nghèo hoặc thoát cận nghèo.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT
Tiêu biểu nhất phải kể đến là Hải Phòng. Theo đó, BHXH TP.Hải Phòng đã tích cực phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu cho HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo, người thuộc cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo (đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại Hải Phòng) sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được cơ quan có thẩm quyền công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Cách làm của Hải Phòng rất đáng ghi nhận, bởi ranh giới giữa nghèo và thoát nghèo, hay cận nghèo và thoát cận nghèo rất mong manh. Ngay cả khi người dân không còn thuộc diện nghèo, cận nghèo thì thu nhập, khả năng tài chính vẫn chưa được cải thiện nhiều, còn khá bấp bênh. Do đó, việc kéo dài thời gian hỗ trợ BHYT (36 tháng) như tại Hải Phòng sẽ tạo khoảng thời gian “chuyển tiếp” vô cùng hiệu quả, qua đó đảm bảo an sinh ở mức cơ bản cho người dân trong quá trình tiếp tục phấn đấu để vươn lên thoát nghèo.
Cũng phải khẳng định, không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được như Hải Phòng. Ngoài tính chủ động tham mưu của cơ quan BHXH, các chính sách hỗ trợ nói chung và hỗ trợ tham gia BHXH, BHYT nói riêng còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực ngân sách địa phương. Trở lại câu chuyện tại Hải Hậu (Nam Định), địa phương này đã có chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT khá hiệu quả. Tuy nhiên, với một địa phương thuần nông, việc tham mưu thêm chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT với hộ thoát nghèo gặp nhiều thách thức.
“Không còn cách nào khác, chúng tôi phải cố gắng để tuyên tuyền, vận động người dân tham gia BHYT, bù đắp vào số đã giảm đi khi thoát nghèo, cận nghèo”- ông Nguyễn Sơn Hùng- Phó Giám đốc BHXH huyện Hải Hậu chia sẻ. Cũng theo ông Hùng, để không ảnh hưởng đến thành tích đạt chuẩn nông thôn mới hay nông thôn mới kiểu mẫu, cơ quan BHXH phải cố gắng triển khai nhanh các giải pháp, đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT luôn được duy trì ở mức chuẩn theo đúng yêu cầu đặt ra. Đơn cử: BHXH huyện cùng Hội LHPN huyện và chính quyền các xã cố gắng tổ chức tuyên truyền tới người dân vào ngày nghỉ, buổi tối, qua đó thu hút nhiều người tham gia và không ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, sản xuất hằng ngày.
Kết quả, chỉ trong tháng 5 và đầu tháng 6, huyện Hải Hậu đã tổ chức được 25 cuộc tuyên truyền, vận động BHXH, BHYT; bên cạnh đó còn có 10 cuộc được thực hiện với sự phối hợp giữa Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh) và BHXH huyện. Các cuộc tuyên truyền được tổ chức đến 77% số xã, thu hút trên 2.500 người tham gia. BHXH huyện cũng chủ động cung cấp các sản phẩm truyền thông; đề nghị UBND cấp xã cùng các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đồng thời chia sẻ các sản phẩm truyền thông của Ngành qua mạng xã hội…
“Chúng tôi đã vận động được 1.876 người dân thuộc hộ có mức sống trung bình tham gia BHYT, 950 hộ gia đình tham gia mới BHYT và 6.125 người tham gia tái tục BHYT ngay và sau các buổi tuyên truyền”- đại diện BHXH huyện Hải Hậu chia sẻ khi được hỏi về chất lượng các cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn trong thời gian qua.
Lạc quan hơn, tính đến 31/5/2023, huyện Hải Hậu đã có 253.599 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,88% dân số. Trong đó, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình và nhóm tham gia BHYT thuộc hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình tăng mạnh nhất (lần lượt đạt 45.092 và 43.304 người), nên đã bù vào số giảm đi do thoát nghèo, cận nghèo. “BHXH huyện tiếp tục tham mưu, phối hợp với các tổ chức, hội, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền cấp xã và thôn xóm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT; cùng chia sẻ qua mạng xã hội cho nhân dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT 95,6% dân số”- ông Nguyễn Sơn Hùng- Phó Giám đốc BHXH huyện Hải Hậu nhấn mạnh thêm.
Như vậy, chủ động tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đúng và chủ động tham gia BHXH, BHYT vẫn luôn là giải pháp mang tính bền vững hơn cả. Do đó, thực hiện tốt giải pháp này cũng là lời giải để đảm bảo công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và không tác động nhiều đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân tại các địa phương.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...