Ngành BHXH Việt Nam: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
05/05/2023 07:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 5/5, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban cơ quan BHXH Việt Nam tháng 5/2023. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2023, tổng số người tham gia BHXH trên cả nước là 17,1 triệu người, tăng 503.000 người so với cùng kì năm 2022; trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,4 triệu người, tăng 122 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Số tham gia BHYT là 90,226 triệu người, tăng 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng 1.436 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tiếp tục được đảm bảo. Theo đó, số được giải quyết hưởng mới BHXH là 882.286 người, 94.506 người hưởng BH thất nghiệp. Số lượt KCB BHYT trong tháng 4 là trên 13 triệu lượt người, tổng số chi là 9.102 tỷ đồng.
Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được chú trọng. Trong tháng 4/2023, BHXH Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tình hình triển khai 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng tại Hà Nội và Hà Nam để đánh giá việc thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình liên thông điện tử với 2 nhóm thủ tục này.
Toàn Ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; triển khai chuyển đổi số, công tác thu, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, giải quyết thủ tục hành chính… Công tác truyền thông chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức. Bên cạnh đó là các kết quả tích cực về thanh tra, kiểm tra; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn cũng đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai ở một số lĩnh vực nghiệp vụ trong những tháng đầu năm; dự báo tình hình và kế hoạch, giải pháp cho các tháng cuối năm 2023.
Về chi phí KCB BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban THCS BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết tình hình chi phí KCB tại một số địa phương trong quý I có sự gia tăng khá lớn so cùng kỳ năm 2022. “Nguyên nhân gia tăng số lượt KCB do đời sống người dân đang phục hồi sau dịch; cùng với việc tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được tháo gỡ; bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 146 bỏ tổng mức thanh toán cũng khiến tâm lý nhiều cơ sở y tế sử dụng rộng rãi dịch vụ y tế hơn...”, ông Phúc cho biết.
Lý giải về các chỉ số thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT có dấu hiệu chững lại, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại các địa phương đều hoạt động khó khăn sau đại dịch, một số doanh nghiệp có cơ chế “giữ chân” người lao động bằng cách trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, cùng với đó một số tập đoàn do không đủ tài chính dẫn đến việc cắt giảm lao động không quay trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã sắp hết hạn đơn hàng, và nếu không kịp thời có đơn hàng mới, thì trong các tháng 7- 9/2023, có thể diễn ra tình trạng sụt giảm lao động… đặc biệt tập trung tại một số tỉnh có số người lao động lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, Bắc giang.
Về giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, ông Hào cho biết sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt hơn các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường thanh tra – kiểm tra, xây dựng phần mềm số để xác định rõ hơn số liệu thu; tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm các mô hình để các địa phương tổ chức thực hiện; tiếp tục tổ chức đào tạo cho các nhân viên dịch vụ thu…từ đó phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT.
Vụ Thanh tra - kiểm tra cũng cho biết, đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023. Ngay trong tháng sẽ tập trung việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tế…
Trên cơ sở ý kiến lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam và các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể với từng mảng lĩnh vực nghiệp vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đã đánh giá kết quả đạt được của các cuộc giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại một số địa phương thời gian qua; đồng thời cho biết, trong quá trình tham gia sửa luật BHXH, vừa qua, sau khi nhận được văn bản đề nghị tham gia ý kiến góp ý từ phía Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan soạn thảo, HĐQL BHXH (Văn phòng HĐQL BHXH) thực hiện gửi đến các ủy viên HĐQL BHXH để xin ý kiến. Thời gian tới, kết hợp với ý kiến của BHXH Việt Nam, HĐQL BHXH (Văn phòng HĐQL BHXH) sẽ có ý kiến để gửi về Bộ LĐ-TB&XH tham gia vào quá trình sửa Luật BHXH. Bên cạnh đó, theo nhiệm vụ phân công của HĐQL BHXH cho các uỷ viên, Hội đồng sẽ giao đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện cũng là thành viên Ban soạn thảo sửa Luật BHXH tiếp thu ý kiến góp ý và tiếp tục phối hợp với HĐQL BHXH trong quá trình sửa Luật BHXH.
Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH cũng đang chỉ đạo Văn phòng HĐQL xây dựng quy trình cụ thể cho hoạt động kiểm tra giám sát của HĐQL tại các các địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Cường cũng lưu ý, trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam cần bám sát mục tiêu được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương để cân đối, giao chỉ tiêu trong những năm tới.
Chỉ đạo về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Xác định việc mở rộng BHXH bắt buộc sẽ khó khăn trong năm nay, nhóm đối tượng cần tập trung hơn nữa trong giai đoạn hiện nay là BHXH tự nguyện và BHYT do người dân tự đóng. Yêu cầu sự chủ động từ từng đơn vị trong hệ thống ngành BHXH, Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu dẫn chứng: tại Thái Bình hiện đang có phần lớn nhóm tham gia BHXH tự nguyện mới là do các tổ chức dịch vụ thu tư nhân thực hiện. Sự linh hoạt của cơ quan BHXH trong phát triển mạng lưới dịch vụ thu, cũng như tập trung tập huấn đào tạo đã mang lại hiệu quả tích cực bước đầu. Do đó, mỗi BHXH địa phương cần có những phân tích, kịch bản riêng phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời luôn nhấn mạnh về trách nhiệm của UBND các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chung này...
Liên quan đến thủ tục hành chính, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đề nghị rà soát lại quy định về việc bố trí cán bộ tiếp nhận và trả thủ tục hành chính tại các Trung tâm Dịch vụ hành chính công ở các địa phương. Theo đó, cần đánh giá hiệu quả thực tế và cân nhắc việc bố trí cán bộ trực tại các địa điểm này sao cho phù hợp với xu hướng sẽ ngày càng có nhiều người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến/giao dịch điện tử. Phó Tổng giám đốc Chu Mạnh Sinh cũng chia sẻ: áp lực của ngành BHXH không nhỏ khi trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, các phần mềm cần được nâng cấp, khối lượng không việc lớn. Đây là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm tháo gỡ. Bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị cần rà soát tiến độ chuyển đổi số, đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện công việc.
Về KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Nhiệm vụ kiểm soát chi phí KCB BHYT năm 2023 thật sự khó khăn, cần phải tập trung vào kiểm soát chi phí KCB BHYT theo hướng hợp lý; phân tích sâu về phép tính chi phí- hiệu quả. Thực hiện nghiêm quy trình giám định mới mà BHXH Việt Nam ban hành. Các đơn vị của BHXH Việt Nam cần chủ động tiếp nhận ý kiến của BHXH các địa phương để kịp thời tháo gỡ.
Đồng thời phải bám sát các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành để thực hiện tốt việc phối hợp, tham mưu xây dựng chính sách, qua đó, bảo đảm phù hợp thực tiễn, hạn chế các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong thực tiễn. Ban THCS BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ động trong việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám định năm 2023; cùng với đó là công tác hướng dẫn quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2022 và xây dựng dự toán 2023 phải được thực hiện khẩn trương. ..
Về công tác truyền thông, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương, quán triệt đầy đủ những nội dung chỉ đạo về các lĩnh vực và bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành để tích cực, chủ động triển khai thực hiện, trong đó có lĩnh vực thông tin, truyền thông. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc đề nghị tập trung tuyên truyền hạn chế số lượng người rút BHXH một lần; tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và những yêu cầu đặt ra với công tác thanh tra của ngành, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát công việc đang thực hiện. Trên cơ sở đó, xây dựng bổ sung các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện giải quyết công tác thanh tra tại các địa phương.
Xây dựng kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai đồng bộ, hiệu quả
Sau khi nghe các ban, vụ báo cáo cũng như ý kiến của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cơ bản thống nhất các ý kiến đưa ra tại cuộc họp. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, toàn thể CCVC, NLĐ toàn Ngành đã rất trách nhiệm, nhiều nội dung công việc quan trọng đã được triển khai nhanh chóng, đặc biệt là trong việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, người hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của Ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị.
Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Về chuyển đổi số, Tổng Giám đốc chỉ đạo nhanh chóng triển khai các khâu kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm; tối ưu hóa các DVC về BHXH, BHYT.
“Cần tăng cường nghiên cứu, đề xuất, phát huy lợi thế nguồn dữ liệu sẵn có, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành thời gian tới. Toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tránh tâm lý tự mãn, phải đi trước, đón đầu, hoàn thành nhanh, sớm các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của Ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Đồng thời các đơn vị chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác TTKT đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, quyết liệt đôn đốc các đơn vị còn chậm đóng, nợ đóng, tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra thường xuyên nhằm giảm nợ; Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt; xây dựng kịch bản truyền thông phù hợp ở các cấp trung ương, địa phương, tập trung nêu các kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại lợi ích gì cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. “Các đơn vị cần chủ động, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu…”- Tổng Giám đốc chỉ đạo./.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...