Xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH: Vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
01/10/2018 10:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong những năm qua, đặc biệt là mấy năm trở lại đây, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thù tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH. Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế có cuộc trao đổi với PV Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam xung quanh nội dung này.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiểm tra hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.
Để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua BHXH Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách TTHC, với quan điểm cải cách thủ tục hành chính gắn liền với hoàn thiện chế độ, chính sách, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, thời gian quan, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đồng thời cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia các giao dịch về BHXH, BHYT, BHTN.
Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, đã rà soát giảm từ 115 thủ tục, còn 28 thủ tục, giảm trên 70% thủ tục, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm 2014 xuống còn 51 giờ/năm vào cuối năm 2017. Nhiều thủ tục giảm là kết quả của đối thoại chính sách và bất hợp lý khi triển khai thực tế.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam tích cực đổi mới phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Nếu như trước đây, khách hàng phải trực tiếp đến cơ quan BHXH xếp hàng, tốn thời gian, chi phí, thì hiện tại, việc giao dịch đã thực hiện trên cả ba kênh: Giao dịch tại cơ quan BHXH (bộ phận một cửa); Giao dịch điện tử: 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần, trên 90% đơn vị đã thực hiện và giao dịch qua hệ thống bưu chính công ích: 63/63 tỉnh, thành phố triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử cũng được Ngành quan tâm. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu và nhiệm vụ cải cách hành chính, ngành BHXH đang xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, hiện đại tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Hiện tại, ứng dụng CNTT đã bao phủ hầu hết các nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như:
Giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực: Thu, cấp sổ thẻ; giải quyết & chi trả chế độ; Thực hiện giao dịch điện tử đối với cả tổ chức và cá nhân theo Nghị định 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT để phục vụ công tác quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hữu hiệu giám sát, cảnh báo, kịp thời phát hiện những hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh.
Triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Qua đó, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo dõi, giám sát BHXH tỉnh, thành phố trong việc giải quyết TTHC; kịp thời xử lý tình trạng giải quyết chậm, muộn hoặc để tồn đọng hồ sơ BHXH của cá nhân, doanh nghiệp.
Thiết lập Hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch.
Thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu Quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình, tạo tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH (dự kiến 2020).
Nhờ việc cải cách thủ tục hành chính của Ngành Bảo hiểm xã hội, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi những gì thưa ông?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Thông qua quá trình cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH, đem đến nhiều lợi ích và sự hài lòng của người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với BHXH, cụ thể:
Thuận lợi khi giao dịch do TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, kịp thời niêm yết công khai, cụ thể, rõ ràng.
Không cần đi đến cơ quan BHXH để giao dịch nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC nhờ việc đăng ký, thực hiện giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua dịch vụ bưu chính. Các đơn vị không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, giảm được phần lớn số giờ thực hiện thủ tục BHXH, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Được hỗ trợ thông tin đầy đủ về lập và nộp hồ sơ, được giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN thông qua Hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng.
Tình trạng chậm muộn hồ sơ được tối giản sau khi triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 công bố tháng 10/2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017).
Chính phủ đang khuyến khích đầu tư phát triển Chính phủ điện tử để áp dụng phương pháp quản lý BHXH hiện đại. Theo ông việc áp dụng Chính phủ điện tử trong quản lý BHXH hiện nay được Ngành triển khai đến đâu?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Trong những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin luôn được BHXH Việt Nam coi trọng, ưu tiên đầu tư phát triển nhằm mục đích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan BHXH.
Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tích hợp, tập trung tại Trung ương và tuân thủ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử.
Kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH trong toàn quốc; tạo dựng hệ thống thông tin về BHXH tập trung cả nước. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ: tích hợp và trích xuất từ kho dữ liệu tập trung của Ngành, chuyển đổi dữ liệu, làm sạch, kiểm tra xác minh dữ liệu và liên thông chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia khác nhằm tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện GDĐT, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc xây dựng hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ứng dụng CNTT phục vụ các công tác khảo sát trực tuyến; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ, giao dịch do BHXH Việt Nam cung cấp.
Với tất cả những nỗ lực đó, mới đây, tại Báo cáo Đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam do Hội truyền thông số Việt Nam công bố, BHXH Việt Nam là đơn vị dẫn đầu khối các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử. Quan trọng hơn, những nỗ lực của BHXH Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của người dân và doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV (thực hiện)
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh