Ứng dụng CNTT: “Chìa khóa” thành công cho việc quản lý BHXH trong thời đại CMCN 4.0
20/09/2018 07:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 19/9, tại Tp.Nha Trang (Khánh Hoà), trong khuôn khổ Hội nghị ASSA 35, đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả của các tổ chức thành viên ASSA về BHXH”.
Quang cảnh Hội thảo.
Trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), BHXH ra đời khá sớm và cùng với quá trình phát triển của xã hội, BHXH đã trở thành một trong những quyền cơ bản của con người được xã hội thừa nhận. Năm 1952, với việc ra đời Công ước số 102 về an toàn xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về BHXH trên thế giới. Theo đó, Công ước này quy định về 9 chế độ gồm: Chăm sóc y tế; trợ cấp ốm đau; trợ cấp thất nghiệp; trợ cấp tuổi già; trợ cấp trong trường hợp tai nạn, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp gia đình; trợ cấp tàn tật; trợ cấp tiền tuất.
Trên thực tế, tại khu vực Đông Nam Á, BHXH đang được mở rộng dần về số lượng và nội dung thực hiện của từng chế độ, theo đà phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, diện BHXH tại đa số các nước trong khu vực lại phát triển chưa đạt kỳ vọng mong muốn.
Tại Hội thảo, chia sẻ của các chuyên gia ASXH trong khu vực Đông Nam Á đều cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã đem tới cơ hội thích ứng và thay đổi lớn theo hướng tích cực cho hệ thống ASXH của các quốc gia. Các chuyên gia đều nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, triển khai hệ thống ASXH là yếu tố tiên quyết, là “chìa khóa” tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cung ứng dịch vụ ASXH đến mỗi người dân, NLĐ tại bất kỳ quốc gia nào.
Đưa ra cái nhìn tổng quan về thách thức địa lý của Indonesia trong việc thực hiện ASXH tại quốc gia này, ông Indrajid Nurmukti - đại diện Tổ chức quản lý ASXH về việc làm Indonesia (BPJS) cho biết: Theo Luật, BPJS phải cung cấp BHXH cho tất cả NLĐ. Điều này được BPJS thực hiện từ nhiều năm nay và gặp không ít khó khăn, bởi Indonesia là một quần đảo rất rộng lớn (6.000 hòn đảo có người sinh sống) với 257,9 triệu dân. Trong đó, có trên 121 triệu dân trong độ tuổi lao động, với số lao động phi chính thức lên tới gần 70 triệu người (chiếm hơn 60% tổng số lao động). Với đặc thù vị trí địa lý này đã gây trở ngại rất lớn trong việc cung ứng các dịch vụ ASXH, theo cách truyền thống, trực tiếp tới người dân, NLĐ ở đảo quốc này.
Ông Indrajid Nurmukti nhận định, giải pháp tối ưu cho vấn đề này chính là ở việc tận dụng ảnh hưởng từ cuộc CMCN 4.0 với việc ứng dụng CNTT trong quản lý ASXH. Hiện, tại Indonesia, người dân trung bình truy cập Internet 3,5 giờ/ngày (gấp đôi so với người Mỹ). Xuất phát từ thói quen này của người dân, trong thời gian tới, BPJS sẽ tận dụng số hóa, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật để cải cách hệ thống ASXH theo hướng thân thiện, hiện đại, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.
“Công nghệ số sẽ cho phép BPJS tăng hiệu suất để mở rộng diện bao phủ ASXH, đặc biệt là trong các nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức và với các DN vừa và nhỏ”, ông Indrajid Nurmukti nhấn mạnh.
Hiện, BPJS đang triển khai xây dựng hệ thống BHXH trên môi trường Internet. Cụ thể, NLĐ sẽ trực tiếp thực hiện việc: Đăng ký, gia hạn, yêu cầu quyền lợi, thông tin và báo cáo về tình trạng các chính sách ASXH qua mạng Internet với sự hỗ trợ của phần mềm E-Service. Theo đó, dù người tham gia ở bất kỳ thời gian hay vị trí địa lý nào cũng đều có thể giao dịch với BPJS. Bên cạnh đó, Indonesia hiện có hơn 9 triệu lao động làm việc ở nước ngoài và với phần mềm nêu trên, NLĐ di cư của Indonesia có thể dễ dàng tham gia BHXH và đóng nộp, hưởng các chế độ ASXH, và luôn có thể kết nối trực tiếp qua Internet để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn BPJS. “Với những tiện ích này, kể từ khi BPJS áp dụng phần mềm E-Service, số người tham gia BHXH đã tăng lên nhanh chóng, tăng 100 triệu người so với thời điểm chưa áp dụng phần mềm này”, ông Indrajid Nurmukti cho biết.
Cùng chia sẻ về việc ứng dụng Internet trong quản lý, thực hiện ASXH tại Thái Lan, đại diện Cơ quan ASXH Thái Lan cho biết, từ năm 2009, nước này đã sử dụng web trực tuyến để cung ứng các dịch vụ điện tử về ASXH. Và việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHXH đã mang lại cho hệ thống ASXH của Thái Lan những chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ một cách rõ nét.
Nhận thức rõ giá trị của việc ứng dụng công nghệ số trong ASXH, từ năm 2017, Cơ quan ASXH Thái Lan tiếp tục đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối Mobile Self- Services (SSO) trong thực hiện chính sách BHXH. Phần mềm này hỗ trợ người dân chủ động đăng ký thành viên, lựa chọn bệnh viện để KCB, thực hiện đóng nộp các chế độ một cách nhanh chóng; đồng thời, người tham gia có thể chủ động kiểm tra các khoản tiết kiệm và trợ cấp của bản thân và thực hiện các thao tác gửi hồ sơ hưởng các chế độ an sinh.
Qua quá trình triển khai cho thấy, ứng dụng SSO đã có những tác động tích cực đến khách hàng, giúp người tham gia tiết kiệm thời gian, giảm thiểu quy trình đóng nộp, giao dịch dịch vụ; tiết kiệm tiền bạc; dễ sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường. Ứng dụng này cũng giúp Cơ quan ASXH Thái Lan giảm khối lượng công việc, tăng tính minh bạch và có một kênh liên lạc mới thân thiện, đa năng với khách hàng.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực hiện BHXH tại Hội thảo.
Chia sẻ thông tin về thực trạng và thách thức trong việc thực hiện BHXH tại Myanmar, Phó Tổng Giám đốc Hội đồng ASXH Myanmar (SSB) Tin Ko Ko cho biết, công tác cải cách BHXH tại nước này phải được thực hiện song hành giữa việc ứng dụng CNTT và cải tổ lại bộ máy thực hiện chính sách. Theo đó, Hội đồng ASXH đã được thành lập với cơ cấu tổ chức tinh gọn hướng tới mục tiêu mở rộng chương trình BHXH đến với mọi người dân.
Xuất phát từ thực tế, tại Myanmar nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng cao, nhưng việc thiếu nguồn nhân lực và vật lực y tế, ứng dụng CNTT chưa phát triển, giới hạn về ngân sách,… chính là những hạn chế gây ảnh hưởng tới việc phát triển ASXH tại quốc gia này. Do đó, Myanmar xác định, phải cải cách luật pháp về BHXH cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các nguyên tắc: Mở rộng đối tượng hưởng đến các thành viên trong gia đình; mở rộng đối tượng tham gia cho tất cả khu vực tư và công; chuyển sang chi trả tiền mặt hàng tháng thay vì chi trả một lần; hủy bỏ các điều khoản cho phép chủ sử dụng lao động và NLĐ rút số tiền đã đóng góp vào quỹ; xem xét, đánh giá lại tỷ lệ đóng góp và mức hưởng theo mô hình cân đối tài chính quỹ; đảm bảo công bằng giữa nam và nữ…
Về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, thực hiện ASXH, ông Tin Ko Ko cho biết, SSB đã đưa ra lộ trình cụ thể như sau: Giai đoạn 2018-2019, tiến hành làm sạch dữ liệu và nhập liệu với đối tượng tham gia; xây dựng hạ tầng viễn thông, kết nối cáp viễn thông; phát triển phần mềm ứng dụng của Microsoft và tiến hành đào tạo. Giai đoạn 2019-2020, thực hiện chuyển dữ liệu của người tham gia sang hệ thống CNTT mới; đăng ký, cung cấp thẻ ID và việc thu phí đóng góp và quy trình sẽ được tiến hành thí điểm theo các dự án; triển khai quy trình KCB và các quy trình khác thông qua ứng dụng điện thoại di động. Giai đoạn 2020-2021, thực hiện quản lý hệ thống bệnh viện cũng như quản lý cung cấp thuốc qua việc kết nối hệ thống SSB.
Chia sẻ về việc cải cách trong triển khai chính sách BHXH tự nguyện tại Lào, đại diện Quỹ ASXH quốc gia Lào (NSSF) cho biết, với bất kỳ quốc gia nào, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng có những khó khăn, thách thức nhất định. Theo đó, việc tăng tính hấp dẫn của chính sách này luôn là “chìa khóa” cho vấn đề mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện.
Tại Lào, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ tháng 10/2014, với đối tượng là công dân Lào trong độ tuổi từ 18-60 tuổi, có đủ sức khỏe để tham gia vào thị trường lao động (bao gồm cả lao động thuộc khu vực công đã từng tham gia bảo hiểm, lao động tự tạo việc làm và đối tượng tham gia tự nguyện khác). Hiện, Lào có 17.257 người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ đóng góp vào quỹ bằng 9% mức lương tối thiểu và hoàn toàn do người tham gia đóng (không nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như chính sách BHXH tự nguyện của Việt Nam). Trong đó: 1,5% đóng cho chế độ BHYT, 2,5% cho chế độ ngắn hạn và 5% cho chế độ dài hạn. Các chế độ hưởng BHXH tự nguyện bao gồm các chế độ ngắn hạn về BHYT như thai sản, ốm đau, trợ cấp tuất một lần; và các chế độ dài hạn như hưu trí, người tàn tật, chế độ tử tuất.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng hoặc hàng quỹ. Việc đóng BHXH tự nguyện được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng như ATM, ngân hàng trực tuyến hoặc giao dịch bằng tiền mặt tại ngân hàng. Và việc thanh toán các chế độ BHXH tự nguyện cho người tham gia cũng được NSSF thực hiện qua các phương thức này, với tiêu chí hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt. Các hình thức đóng nộp và thanh toán BHXH tự nguyện này được xem là một sự khởi sắc về ứng dụng CNTT của NSSF, đã hỗ trợ tối ưu cho người tham gia; đồng thời tăng cường tính minh bạch, tiện lợi, nhanh chóng.
Đại diện NSSF cho biết, trong tương lai, NSSF và Ngân hàng Quốc gia Lào sẽ phối hợp để triển khai thực hiện việc tích hợp thẻ ATM của ngân hàng và thẻ thành viên NSSF để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện thu - chi BHXH./.
B.A.T
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh