Kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về chính sách BHXH cho doanh nghiệp
24/07/2018 09:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn trả lời kiến nghị liên quan đến chính sách BHXH của Công ty TNHH Du lịch THP (địa chỉ tại quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nội dung kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH của Công ty do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo văn bản số 2714/VPCP-ĐMDN.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Đối với các kiến nghị này, Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến như sau:
Về tham gia BHXH đối với người đang hưởng lương hưu
Theo quy định tại Khoản 9, Điều 123 Luật BHXH, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết HĐLĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, trường hợp NLĐ đã nghỉ và hưởng chế độ hưu trí hằng tháng mà tiếp tục làm việc tại công ty thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Về tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ trên 60 tuổi
NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH mà không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 9, Điều 123 Luật BHXH và được quy định chi tiết tại Khoản 4, Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, thì NLĐ và người SDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc. Người SDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ và trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định của Luật BHXH để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Đối với trường hợp NLĐ trước đó đang tham gia BHXH tự nguyện, thì kể từ thời điểm thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ dừng tham gia BHXH tự nguyện để chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc.
Về quyền lợi BHXH khi NLĐ làm việc ở nhiều công ty khác nhau
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 85 Luật BHXH, thì NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà giao kết HĐLĐ với nhiều người SDLĐ, thì chỉ đóng BHXH đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên. Riêng đối với chế độ BH TNLĐ-BNN, theo quy định tại Khoản 2, Điều 43 Luật ATVSLĐ thì trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người SDLĐ phải đóng BH TNLĐ-BNN theo từng HĐLĐ đã giao kế t- nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
Khi NLĐ bị ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất, thì quyền lợi BHXH sẽ được thực hiện dựa trên quan hệ lao động của NLĐ và công ty đang đóng BHXH trước đó. Riêng chế độ BH TNLĐ-BNN, thì quyền lợi BH TNLĐ-BNN được dựa trên quan hệ lao động ở công ty nơi xảy ra TNLĐ-BNN; mức hưởng được xác định dựa trên tổng mức đóng BHXH ở tất cả các HĐLĐ tham gia BHXH.
Về mức tiền luơng làm căn cứ đóng BHXH
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 89 Luật BHXH, thì từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, thì phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ-BNN và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ. Căn cứ quy định nêu trên, tiền thưởng đột xuất như sáng kiến, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm thời gian, tiền thưởng hàng quý, hàng năm không làm căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.
Về quyền lợi BHXH của NLĐ trong trường hợp chuyển công tác
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, thì người SDLĐ có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật BHXH thì NLĐ tham gia BHXH được cấp và quản lý sổ BHXH.
Căn cứ quy định trên, NLĐ nếu chưa chốt được sổ BHXH và chưa được trả sổ do công ty trước đó còn nợ tiền BHXH, thì đề nghị NLĐ liên hệ với công ty cũ để được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với Công ty TNHH Du lịch THP, khi ký kết HĐLĐ với NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì vẫn phải đảm bảo các quy định về việc đăng ký và tham gia đóng BHXH cho NLĐ.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh