Đầu tư tập trung để nguồn vốn phát huy hiệu quả
28/05/2018 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó chính là vấn đề chính mà các đại biểu thảo luận trong buổi Tọa đàm “Vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số - Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” do báo Đại biểu Nhân dân và Ngân hàng Chính Sách phối hợp tổ chức mới đây. Tọa đàm với mục tiêu hoàn thiện chính sách về tín dụng với đối tượng người dân tộc thiểu số cũng như nhận diện những thách thức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta.
Dàn trải và lãng phí
Tính đến hết năm 2017, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, trong đó có các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015; chương trình cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31.10.2016... Những chính sách trên đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Song việc nguồn vốn có hạn nhưng chương trình quá nhiều, khiến hiệu quả của mỗi chương trình chưa sâu. Sự dàn trải này nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều khu vực đã chậm nay còn chậm hơn.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, hiện đồng bào dân tộc thiểu số đang được thụ hưởng khoảng 10 chính sách tín dụng, chưa kể các chính sách gián tiếp; dẫn đến nguồn lực bị phân tán, nhỏ lẻ. Ông Thành cũng cho rằng, các chính sách tín dụng ưu đãi hiện đang áp dụng chung cho tất cả các vùng miền nhưng mỗi vùng lại có một đặc thù khác nhau, chính vì vậy nó chưa thể đi sâu vào cuộc sống và chưa phù hợp cho từng địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu tiên cho các chương trình rất thấp so với nhu cầu thực tế của người dân. Đơn cử như Quyết định 2085/QĐ-TTg ban hành từ 2016 thì đến nay mới dư nợ được 16 tỷ.
Cùng quan điểm trên, Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho rằng: Những chương trình ban đầu có thể đem lại hiệu quả thoát nghèo nhưng nếu đầu tư không tập trung, không duy trì, về lâu về dài sẽ tái nghèo rất nhanh. Vì vậy, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, đề nghị không xây dựng chính sách “đi hàng ngang” mà phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phân vùng, phân loại để xử lý vấn đề nghèo đói. “Đất nước muốn giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói thì dứt khoát phải tập trung trọng điểm vào đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giởi hải đảo - đây là yếu tố quan trọng!” Phó chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.
Cần linh hoạt hơn
Trong vài năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị mà công cuộc xóa đói giảm nghèo đã có những bước tiến quan trọng, nhất là trong phát triển kinh tế vùng cao. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận đúng những điều chưa hoàn thiện của chính sách cho vay. Đó là sự máy móc, và chưa thực tế trong nhiều hoàn cảnh.
Thảo luận về vấn đề này ông Nguyễn Lâm Thành cho biết, vấn đề chính sách ta chưa tính tới yếu tố vùng miền, cơ cấu vùng miền. Vùng miền nào có thể tiếp cận với sản xuất hàng hóa và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất thì rõ ràng mức vay, cơ chế vay cũng phải khác, nếu cào bằng thì hiệu quả sẽ không đạt cao như mong muốn.
Bên cạnh đó, chúng ta chỉ nhằm vào đối tượng hộ nghèo thì chưa chắc đã phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn. Bởi trên thực tế, hộ nghèo không thể phát huy được nguồn vốn nếu không có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và các tổ chức khác. “Ta cần phải tính toán để không chỉ hộ nghèo mới được vay, mà những hộ có kinh nghiệm làm ăn, dẫn dắt những người nghèo để thoát nghèo cũng được tiếp cận nguồn vốn. Tránh hiện tượng người được vay thì chưa biết sử dụng vốn, đối tượng cần vốn thì không đủ điều kiện để vay” - ông Thành nói.
Phó tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Văn Lý cho rằng, nhà nước phải giảm việc “cho không” và tập trung đầu tư an sinh như: Đường giao thông, nhà trẻ, đặc biệt là đầu tư tín dụng để đột phá trong phát triển sinh kế. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn đồng bào cách làm ăn theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, tìm cách kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề vô cùng khó khăn. Giao thông không thuận lợi; việc bảo quản sau thu hoạch không tốt, vì thế, “phải đột phá! Nên biến khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số thành nơi có sản phẩm trị giá cao như: dược liệu, du lịch…; muốn có du lịch thì nhà nước cần đầu tư đường sá, cơ sở hạ tầng” – Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý nói.
Ngoài ra, để phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần đa dạng hóa nguồn lực; khuyến khích sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân, có vốn nước ngoài, phi chính phủ). Quan trọng hơn, đã đến lúc cần hoàn thiện chính sách một cách “động” và linh hoạt; nâng cao cơ sở hạ tầng và tối ưu hóa nguồn lực… chỉ có như vậy chính sách tín dụng mới thực sự trở thành “bà đỡ” của người nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Theo Báo ĐBND
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...