Hướng tới y tế điện tử
27/03/2018 04:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không nằm ngoài xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều bệnh viện đang nỗ lực ứng dụng các tiến bộ mới nhất của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động khám chữa bệnh, chẩn đoán, đào tạo, quản lý hồ sơ bệnh án... Những giải pháp bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho chính các cơ sở y tế, thầy thuốc và cả người bệnh.
Việc ứng dụng CNTT giúp nhiều bệnh viện nâng cao hiệu quả hoạt động, người bệnh được hưởng lợi.
Giảm phiền hà, chờ đợi
Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân tới khám chữa bệnh. Trước đây, người bệnh phải đi từ rất sớm, xếp hàng chờ đợi mất nhiều thời gian, kéo theo sự mệt mỏi, phiền hà. Từ khi bệnh viện này ứng dụng hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện thông minh FPT.eHospital, đã giải quyết được gánh nặng quá tải. Bản thân người bệnh cũng được hưởng lợi không nhỏ khi thời gian đăng ký khám bệnh, chờ đợi khám bệnh được rút ngắn hơn nhiều.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện thông minh FPT.eHospital đã giúp bệnh viện hỗ trợ tiếp đón thành công trung bình 9.000 bệnh nhân/ngày, tăng 15%-20% so với trước đó, gấp 15 lần một bệnh viện cấp tỉnh. Đặc biệt, dù số lượng bệnh nhân rất đông, nhưng trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất chưa đầy 2 phút để đăng ký và chờ khám bệnh. Quy trình thanh toán viện phí hay thực hiện các thủ tục về BHYT cũng giảm từ 30 phút/bệnh nhân xuống chỉ còn 3-5 phút.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư IBM Watson for Oncology. Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hệ thống này có nền tảng bao gồm hơn 300 tạp chí, hơn 200 đầu sách y khoa trên thế giới được cập nhật liên tục, cùng hàng chục triệu hồ sơ bệnh án. Với công nghệ này, bệnh viện có thể tóm tắt được đặc điểm tình trạng bệnh của bệnh nhân, cung cấp thông tin cho bác sĩ, sắp xếp lựa chọn phác đồ điều trị. Từ đó, các bác sĩ có thể lựa chọn phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp nhất cho từng người bệnh. Việc sử dụng công nghệ này không chỉ là cơ hội cho người mắc ung thư tiếp cận phác đồ điều trị chuẩn, mà còn giúp các bác sĩ nâng cao trình độ, cập nhật nhanh những phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới.
Cũng là một trong những bệnh viện mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An) hiện chỉ cần chưa đầy 2 giờ đã có thể đón tiếp từ 1.600-1.800 lượt bệnh nhân tới khám, con số này trước khi ứng dụng công nghệ chỉ là 300-500 người bệnh.
Xây dựng bệnh viện thông minh
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong những năm qua, ngành y tế đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn của ngành. Những công nghệ mới nhất trong quản lý cơ sở y tế, người bệnh, hồ sơ bệnh án... không chỉ được những bệnh viện tuyến Trung ương ứng dụng mà còn được tuyến y tế cơ sở, trạm y tế xã/phường tại nhiều địa phương triển khai. Đơn cử như tại tỉnh Sơn La, đến nay 100% trạm y tế các xã và 5 bệnh viện chuyên khoa của tỉnh đều đang triển khai phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS. Phần mềm đã giúp các cơ sở y tế dữ liệu hóa được hồ sơ bệnh nhân ngay từ khi tiếp đón, đến việc khám chữa bệnh, quản lý khoa phòng. Đặc biệt giúp giảm rõ rệt chi phí dành cho văn phòng phẩm và tránh thất thoát thuốc, vì mọi chỉ định điều trị, bảng kê thuốc điều trị cho từng bệnh nhân đều đảm bảo tính thống nhất về số liệu.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung vào 3 chương trình mục tiêu về y tế điện tử. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử, để dần hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế. Cùng với đó là Chương trình hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung, để đảm bảo liên thông các phần mềm với nhau. Để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế, hướng tới bệnh viện thông minh, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện. Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trong bộ tiêu chí được chia làm 7 mức. Nếu bệnh viện nào đạt được đến mức 6-7 (được trang bị phần mềm quản lý thông tin bệnh viện HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm LIS, phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS, phần mềm bệnh án điện tử, có kiốt thông tin cho phép bệnh nhân tra cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...) thì được coi là bệnh viện thông minh.
Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ có khả năng vận hành cho nhiều bệnh viện, cho phép tùy biến quy trình tác nghiệp, cũng như triển khai linh hoạt nhiều giai đoạn phù hợp với khả năng đầu tư của từng bệnh viện. Về phía các bệnh viện, cần phải lựa chọn giải pháp công nghệ đáp ứng được theo yêu cầu mà Bộ Y tế đã đề ra, đồng thời phù hợp với mô hình hoạt động của từng đơn vị./.
Theo SGGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...