Việt Nam - Thành viên tích cực trong hợp tác GMS
15/03/2018 03:29 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Việt Nam luôn là thành viên có những đóng góp cho những nỗ lực chung liên quan đến sự phát triển bền vững, đồng đều giữa các quốc gia GMS.
Quan điểm về các vấn đề hợp tác trong GMS được Việt Nam đề cập tại 5 kỳ Hội nghị Thượng đỉnh (2002, 2005, 2008, 2011, 2014) bao trùm là sự phát triển của Tiểu vùng cần bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế-con người-môi trường.
Dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 2 tổ chức vào tháng 7/2005 ở Côn Minh (Trung Quốc), Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng các nước Tiểu vùng Mekong cần có hành động chung nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn nước dòng sông Mekong, đáp ứng tốt nhất cho lợi ích và yêu cầu phát triển bền vững của cả 6 quốc gia trong Tiểu vùng và yêu cầu bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Liên quan vấn đề thúc đẩy thương mại và đầu tư, Thủ tướng Phan Văn Khải lưu ý khoảng cách phát triển trong Tiểu vùng còn chênh lệch khá lớn so với Đông Á và các nước Đông Nam Á còn lại. Vì vậy, cần có giải pháp thiết thực để từng bước thu hẹp khoảng cách này với cả vùng và theo kịp bước tiến chung của thời đại.
Về giao thông, các nước cần nỗ lực thực hiện các thảo thuận về xây dựng các tuyến đường bộ xuyên Á, đặc biệt là các tuyến đường bộ liên quan đến sự hình thành và phát triển hành lang Bắc-Nam, Đông-Tây để kết nối các vùng có nhiều tiềm năng phát triển.
Phát biểu về nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 3 (tháng 3/2008 tại Lào) về chủ đề chung “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường kết nối”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các biện pháp để tăng cường thúc đẩy hợp tác hướng tới một Tiểu vùng Mekong mở rộng thịnh vượng, phát triển bền vững, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh tới hợp tác bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc bảo vệ nguồn nước sông Mekong.
Về vấn đề “Thuận lợi hóa thương mại và giao thông: Từ hành lang giao thông đến hành lang kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định các nước GMS cần tăng cường hợp tác nhằm biến các hành lang giao thông hiện tại thành các hành lang kinh tế để đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo tại Tiểu vùng; đề nghị lãnh đạo các nước có cơ chế chính sách cần thiết để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư; chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, bảo vệ môi trường...
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 (tháng 12/2011 ở Myanmar) với chủ đề "Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS”, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hợp tác ngành và đa ngành theo Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022; phát triển các hành lang giao thông trở thành các hành lang kinh tế để đạt được sự kết nối của Tiểu vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Các nước GMS cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển hành lang kinh tế như các cấp quản lý trung ương, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng dân cư trong GMS.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Việt Nam cũng cam kết tích cực đóng góp và chia sẻ lợi ích từ các sáng kiến hợp tác, trong đó có chương trình hợp tác GMS.
Do thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp và gây ra hậu quả rất nặng nề ở khu vực, nhất là ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, vì vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển chung của khu vực, trong đó có cả các nước thượng nguồn cũng như các nước hạ nguồn. Việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong phải là một nội dung có ý nghĩa quyết định trong chiến lược hợp tác phát triển Tiểu vùng trong 10 năm tới (2012-2022).
Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5 (tháng 12/2014 ở Thái Lan) với chủ đề “Cam kết tăng trưởng bền vững và bao trùm Tiểu vùng Mekong mở rộng”, ý kiến của Việt Nam về hợp tác trong GMS đã đề cập cụ thể hơn trong bối cảnh mới.
Nhấn mạnh một số điểm lớn trong hợp tác Tiểu vùng, Việt Nam cho rằng cần bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế-con người-môi trường trong hợp tác GMS. Trong quá trình phát triển, Tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và thiên tai. Việc nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc những thách thức này sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp.
Việt Nam cũng nhấn mạnh sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên là điều không thể thiếu để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS, xây dựng quan hệ bền vững, lâu dài. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển ngày càng cao, yêu cầu về nguồn lực và công nghệ ngày càng lớn, các nước GMS cần tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS.
Một trong những vấn đề mà Việt Nam nhấn mạnh là tất cả các nước cùng có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông Mekong.
Về các chương trình hợp tác cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã tích cực tham gia hầu hết các sáng kiến hợp tác của GMS trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng, đầu tư, thông tin và truyền thông, nông nghiệp... Bên cạnh đó, Việt Nam còn là mắt xích quan trọng trong các hành lang giao thông của Tiểu vùng và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây ven biển phía nam, có vai trò trọng yếu trong việc thực hiện “Chiến lược năng lực cạnh tranh, liên kết và cộng đồng” (Chiến lược 3Cs) của GMS.
Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam đã tham gia các dự án vay vốn GMS với tổng số vốn khoảng 3,7 tỷ USD, bao gồm các dự án về giao thông, điện năng, y tế, môi trường, du lịch, nông nghiệp, phát triển đô thị dọc hành lang kinh tế...
Việt Nam đã tham gia khoảng 130 dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng (RETA).
Một số sáng kiến ưu tiên của Tiểu vùng mà Việt Nam tham gia, gồm: Hiệp định tạo thuận lợi giao thông qua biên giới các nước GMS; nghiên cứu chiến lược ngành giao thông tiểu vùng; xây dựng Khung chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư; Hiệp định giữa các quốc gia về thương mại điện năng khu vực, Hiệp định thương mại điện năng khu vực; mở rộng hợp tác Tiểu vùng về nông nghiệp…
Theo VGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh