Kinh tế chia sẻ lên bàn nghị sự của Chính phủ
09/02/2018 05:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra, Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, trong bối cảnh các quy định pháp luật “hầu như còn bỏ ngỏ" đối với mô hình kinh tế này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế chia sẻ là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây và gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.
Đến nay có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.
Hiện nay, có hai loại hình dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ đang mở rộng quy mô ở nước ta là dịch vụ vận tải trực tuyến (như Uber, Grab) và dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb. Theo một ước tính, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6/2017.
Ngoài ra ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều loại hình dịch khác như dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour Việt Nam cung cấp cho khách du lịch thế giới (Trippme), cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… (Rada); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ điển hình như cung cấp nền tảng kết nối bên cho vay và người đi vay như huydong.com…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ này trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định 24 năm 2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây được coi là văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến dịch vụ vận tải theo bản chất của kinh tế chia sẻ.
Về thuế, hiện nay, Bộ Tài chính coi dịch vụ phần mềm kết nối của Uber là “bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải” và đã có công văn hướng dẫn thu thuế với loại hình này theo mức thuế suất 3% như với dịch vụ vận tải.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập.
Mục tiêu của Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là đề xuất giải pháp phát triển các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong nền kinh tế ở Việt Nam.
Dự kiến, Đề án gồm 3 phần chính: Phần một tập trung đánh giá thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ và khung khổ pháp lý, chính sách; phần hai đề xuất một số giải pháp phát triển các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tới năm 2025; phần ba về tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ ngành, địa phương.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam tương đối mới, vào Việt Nam với nhiều dịch vụ như Uber, Grab… Việc Chính phủ đưa ra chủ trương có đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là cần thiết, chuẩn bị cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết và các giải pháp liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, làm việc với các bộ, ngành liên quan… hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, trình Chính phủ trong tháng 6/2018.
Theo VGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...