Duy trì lợi thế, phát huy hiệu quả
30/01/2023 09:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)... Đặt trong bối cảnh dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn, đây là chỉ tiêu được BHXH Việt Nam đặt ra ở mức nỗ lực rất cao. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn khả khi, nếu toàn ngành tiếp tục duy trì những lợi thế có được, phát huy hiệu quả các bài học và kinh nghiệm đạt được trong năm 2022.
Chủ động điều hành "từ sớm, từ xa"
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, kết thúc năm 2022, các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT cơ bản đều tăng so với cùng kỳ và vượt so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Để đạt được kết quả “ngoạn mục này”, yếu tố quan trọng chính là sự chủ động của cơ quan BHXH từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; toàn ngành đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa”.
Bên cạnh đó là sự quyết liệt, linh hoạt thực hiện hiệu quả, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân, người lao động, doanh nghiệp theo quy định, nhất là trong bối cảnh khó khăn chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Những bài học và kinh nghiệm này không mới, nhưng khi được triển khai theo chiều sâu, được quan tâm đặc biệt đã mang lại hiệu quả lớn.
Kết quả là đến hết năm 2022, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch. Khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%).
Đổi mới phương thức, cách thức hoạt động
Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 được đánh giá là mục tiêu rất cao của BHXH Việt Nam, đặt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm an sinh xã hội của ngành.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng. Với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Linh hoạt - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, Tổng Giám đốc yêu cầu toàn ngành, trong năm 2023, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, tập trung triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn ngành; nắm bắt, đánh giá vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Song song với đó là đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT, BHTN; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, bảo đảm giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT, tập trung đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ, thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành; đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT với các bộ, ngành; tiếp tục kết nối, liên thông hiệu quả các cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra và năm 2023 sẽ tiếp tục là năm đột phá của ngành, phục vụ người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?