An Giang: Chỉ đạo thúc đẩy triển khai toàn diện chính sách BHYT

07/08/2024 10:50 AM


UBND tỉnh An Giang yêu cầu tăng cường các giải pháp nhằm triển khai một cách toàn diện để thúc đẩy phát triển chính sách BHYT.

Ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số1037/UBND-KGVX về Tăng cường thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, trong đó có nhiều nội dung mới, những điểm nhấn đáng chú ý.

Các yêu cầu, nhiệm vụ mà UBND tỉnh đặt ra nhằm triển khai kết luận trước đó của ông Lê Văn Nưng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHYT. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt nội dung thông báo kết luận Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW. Đồng thời, định hướng triển khai bản tin sinh hoạt những kết quả thực hiện chính sách BHYT đến chi, đảng bộ cơ sở của từng địa phương hàng tháng; Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp các cấp tổ chức quán triệt vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Triển khai thông báo kết quả thực hiện chính sách BHYT trong bản tin sinh hoạt chi, đảng bộ cơ sở hàng tháng; UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã triển khai đa dạng, linh hoạt các giải pháp, hình thức truyền thông về chính sách BHYT trên địa bàn; Các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền đến cơ sở, hội viên, thành viên, nông dân sản xuất giỏi… Nhân rộng các mô hình hiệu quả như: “Nông dân sản xuất giỏi tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”, “Ống heo tiết kiệm”…

Về triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHYT, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Cấp ủy, Chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tham mưu ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện theo từng năm. Giao chỉ tiêu thực hiện BHYT đến các xã, phường, thị trấn, cấp uỷ, chi bộ cơ sở và tổ chức, hội, đoàn thể. Thực hiện sơ, tổng kết đánh giá công tác phát triển người tham gia theo các giao ước thi đua đã ký giữa các xã, phường, thị trấn, hội, đoàn thể. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo đến cấp xã; phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Thường xuyên đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp dưới và của từng thành viên. Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ Văn hoá – Xã hội, Trưởng khóm, ấp; phát huy cơ chế phối hợp ba bên, bao gồm cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu và chính quyền cấp xã. Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia BHYT đối với từng nhóm cụ thể theo kịch bản đã xây dựng. Lưu ý địa bàn khó khăn và đồng bào dân tộc.

Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Cụ thể, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng tổ chức dịch vụ và nhân viên thu; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động phát triển người tham gia cho nhân viên thu, cộng tác viên; giới thiệu người có uy tín làm cộng tác viên cho các tổ chức dịch vụ; mở rộng điểm thu đảm bảo không trống địa bàn nhưng không được trùng chéo, lãng phí nguồn lực.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT và chỉ tiêu về độ bao phủ BHYT. Huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách BHYT, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, đề nghị BHXH tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách theo khả năng của địa phương, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân thuộc đối tượng theo quy định tham gia BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT; tích cực tham gia góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT. Sở Y tế tiếp tục quản lý hiệu quả quỹ KCB BHYT; nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế; kiểm soát chi phí KCB BHYT (chủ động thông báo các chi phí tăng cao, bất hợp lý, các chỉ số bình quân gia tăng; xác định nguyên nhân vượt dự kiến chi của các cơ sở KCB; báo cáo và tham mưu đề xuất UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo). Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật và các hướng dẫn chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật và kê đơn thuốc. Rà soát, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ BHYT (nếu có). Xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, kịp thời chỉ đạo việc mua sắm lựa chọn sử dụng vật tư y tế giá thành hợp lý, chất lượng.

“Chú ý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Thanh tra, kiểm tra việc tham gia BHYT cho NLĐ của các DN, chậm đóng BHYT; kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Xử lý và đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHYT; đề nghị xử phạt VPHC hoặc chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định. Thông báo cho các cơ sở KCB để quán triệt các nội dung, hành vi bị xử phạt VPHC theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các hành vi bị khởi tố tội gian lận, trục lợi BHYT theo Điều 215 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13”– Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

PV