“Đảm bảo quyền lợi người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất”
04/06/2021 05:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại hội nghị giao ban công tác tháng 6/2021 diễn ra sáng 4/6, tại Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.
Điểm sáng an sinh trong bức tranh toàn cảnh nhiều khó khăn
Trong tháng 5/2021, mặc dù đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có diễn biến đặc biệt phức tạp, nhưng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, số phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều có chuyển biến tích cực, cũng như tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đó là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ.
Tính đến ngày 31/5/2021, số phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% LLLĐ), đạt 91,3% kế hoạch BHXH Việt Nam đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là trên 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020, BHXH tự nguyện là trên 1,12 triệu người, giảm 13.060 người; Số tham gia BH thất nghiệp là trên 13,3 triệu người (đạt 26,73% LLLĐ) đạt 93,51% kế hoạch, giảm 20.737 người.
Riêng BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia (tăng thêm 246.185 người) đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Trưởng Ban quản lý Thu- Sổ, thẻ Dương Văn Hào, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lây lan nhanh tại các khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến lớn đến hoạt động của doanh nghiệp; một phần là do vướng mắc về cơ chế, chính sách (việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền). Bên cạnh đó, nhiều nhóm đối tượng cũng có sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT khi một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số, người sinh sống vùng bãi ngang...) được rà soát lại, có khoảng “chờ” chính sách mới được ban hành... Do đó, những con số tăng trưởng trên cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành BHXH Việt Nam. “Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ nguyên nhân chủ quan khi sự tăng trưởng không đều giữa các địa phương” ông Hào nhấn mạnh. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đều có địa phương tăng cao, nhưng có nơi lại “dậm chân tại chỗ” cho thấy có những địa phương chưa có sự quyết liệt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng Ban quản lý Thu- Sổ thẻ dẫn chứng, ngay trong yêu cầu rà soát cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp, hiện mới có 16 địa phương thực hiện. Thậm chí “thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT là công cụ tốt của ngành BHXH nhằm giảm nợ, phát hiện vi phạm, tuy nhiên dù số nợ trên 3 tháng được thống kê khá cao, nhưng cả nước chỉ có 5 tỉnh tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành...”, ông Hào cho biết.
Để đạt được kế hoạch mà BHXH Việt Nam đạt ra trong năm 2021, trong 7 tháng còn lại của năm, toàn quốc cần phát triển thêm 1.521.328 người tham gia BHXH; trên 9244.000 người tham gia BH thất nghiệp và trên 2,16 triệu người tham gia BHYT. Do đó, trong thời gian tới, BHXH các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ cũng đề xuất 2 giải pháp mới hỗ trợ phát triển đối tượng. “Chúng ta phải xác định công tác này sẽ vẫn “sống chung với dịch Covid-19”, nên việc tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp sẽ khó thực hiện, có thể thay đổi phương pháp tiếp cận bằng cách sử dụng các giải pháp tuyên truyền trên môi trường mạng xã hội”, ông Hào nói. Hoạt động này sẽ cần có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông, CNTT và Chăm sóc khách hàng. Tương tự, việc rà soát danh sách NLĐ chưa tham gia BHXH theo dữ liệu được chia sẻ từ cơ quan Thuế, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể yêu cầu các đơn vị SDLĐ lập báo cáo và chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp, cơ quan BHXH sẽ hậu kiểm khi thiết lập lại giai đoạn bình thường...
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Truyền Thông Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Ngành chúng ta đã thực hiện được và tạo hiệu ứng rất tốt thông qua qua các hoạt động trao tặng thẻ BHYT, sổ BHXH. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp với ngành Bưu Điện tổ chức các lễ ra quân, tiếp cận và phân phát tới bà con những tờ rơi có những thông điệp về BHXH, BHYT cũng như trực tiếp giải thích, định hướng cho người dân hiểu và biết về lợi ích không chỉ cho mình mà cho cả những người thân khi tham gia BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.”
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại Hội nghị
Ngoài chuyên mục Hỏi - đáp trên Cổng Thông tin Điện tử BHXH Việt Nam, Trung tâm Truyền thông đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để có những chuyên mục giải đáp thắc mắc của người dân, với mục đích không chỉ tăng độ phủ sóng những hoạt động của ngành BHXH Việt Nam mà còn tiếp cận và giải quyết được những thắc mắc của người dân một cách cụ thể, có tính chính thống nhất.
Đặc biệt trong thời gian qua, Trung tâm Truyền thông đã thực hiện truyền thông về ứng dụng VssID- BHXH số, Trung tâm đã tổ chức truyền thông tới người dân về lợi ích khi cài đặt ứng dụng VssID. Không chỉ truyền thông cho người dân biết về ứng dụng, mà khi người dân thực hiện cài đặt gặp khó khăn, chúng ta đã tổ chức những buổi hướng dẫn cài đặt để hỗ trợ, chăm sóc cho người dân. Và nhờ đó, qua theo dõi phản hồi của người dân trên các phương tiện truyền thông, Trung tâm Truyền thông đã thu nhận lại những phản hồi rất tích cực về ngành BHXH Việt Nam.
“Trung tâm Truyền thông đang xây dựng kế hoạch truyền thông phát triển đối tượng BHXH, BHYT, để công tác truyền thông được đúng và trúng, Trung tâm Truyền thông sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan để xây dựng kế hoạch một cách chi tiết và khả thi nhất” Giám đốc Trung tâm Truyền thông nhấn mạnh.
Vượt khó, nỗ lực đảm bảo quyền lợi người tham gia
Trong việc thực hiện chính sách BHYT, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có trên 65 triệu lượt KCB, giảm 3,67% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mức chi phí lại tăng 12%, với tổng số chi là 42.028 tỷ đồng, thực hiện 40,7% so với dự toán. Báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến đều chỉ ra một điểm chung: Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố; việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cả về phía người bệnh và cơ sở y tế vẫn chưa được kiểm soát toàn diện và đầy đủ (KCB nhiều lần để lấy thuốc, kê khống đơn thuốc, thống kê thanh toán loại dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn loại dịch vụ đã thực hiện, chỉ định nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú, chỉ định cung ứng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, lợi dụng chính sách thông tuyến và các chương trình KCB nhân đạo thu gom người bệnh...)
Đây cũng là vấn đề được Vụ Thanh tra, kiểm tra bày tỏ lo ngại khi “chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra cơ sở KCB BHYT tại một số tỉnh, thành phố chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức; cá biệt có những nơi chưa thực hiện kiểm tra hoặc kiểm tra nhưng vẫn để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT”, Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra Trần Đức Long đánh giá.
Nhấn mạnh "sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ giúp ứng dụng VssID lan tỏa nhanh hơn", ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và đa tuyến cũng chia sẻ một số băn khoăn từ phía cơ sở y tế khi chuyển sang sử dụng hình thức mới này. Nhiều cơ sở y tế lo ngại không có thẻ BHYT để "giữ" bệnh nhân không "tranh thủ" đi KCB ở nơi khác khi chưa kết thúc đợt điều trị, hoặc "trốn" đóng viện phí; đi khám đồng thời ở nhiều nơi... Ông Đức đề xuất cần bổ sung chức năng cảnh báo trên phần mềm Cổng tiếp nhận, bổ sung chức năng cập nhật trạng thái KCB của bệnh nhân…
Báo cáo kết quả giái quyết hưởng các chế độ BHXH trong thời gian qua, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ cho biết, trong 5 tháng đầu năm, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 5/2021, có 103.918 người hưởng BHXH một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người. Số người giải quyết hưởng mới BH thất nghiệp tăng thêm 74.634 người trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm là 295.989. Tuy nhiên những con số này cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020, với số giảm tương ứng 65.897 người (16,32%) và 47.757 người (12,36%). Bên cạnhh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ …. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người lao động bị mất việc làm, không có đủ thu nhập để đảm bảo cuộc sống; một phần khác là do BHXH một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, rà soát, đối soát dữ liệu... Đặc biệt, ông Thọ phản ánh bức xúc của nhiều NLĐ muốn chốt sổ BHXH để lấy một lần hoặc được giải quyết chế độ hưu trí nhưng lại đang “vướng” do DN vẫn còn đang nợ một số tháng tham gia BHXH, đề nghị BHXH Việt Nam có chỉ đạo tháo gỡ...
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc được đề cập theo các lĩnh vực quản lý, Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu trong tuần tới sẽ có cuộc làm việc riêng với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện chính sách BHYT, Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, CNTT để trao đổi cụ thể, giải quyết những vấn đề còn tồn tại về thực hiện chính sách BHYT, cũng như lên kế hoạch đẩy nhanh nâng cấp hệ thống “tài nguyên mạng"” của Trung tâm CNTT đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Nhấn mạnh các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện, Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu thống nhất với đề xuất tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tuyến, yêu cầu các đơn vị liên quan (Ban quản lý Thu-sổ thẻ, Trung tâm Truyền thông, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng) phối hợp thực hiện...
Giải đáp băn khoăn của Ban Thực hiện chính sách BHYT về giải quyết chế độ cho NLĐ tại những DN đang nợ BHXH, Phó Tổng giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết: BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH Hà Nội thực hiện các trường hợp này theo cách: Chốt sổ giải quyết một lần cho người có yêu cầu; giải quyết chế độ hưu trí cho người đã đủ thời gian hưởng lương hưu theo thời gian thực đóng. Số tháng mà DN còn nợ, sau khi DN thực hiện hết nghĩa vụ, sẽ thực hiện điều chỉnh bổ sung cho NLĐ. Giải pháp này sẽ được hướng dẫn cho các địa phương trên toàn quốc... Phó Tổng giám đốc Lê Hùng Sơn cũng nhấn mạnh chủ trương của công tác thanh tra năm nay là phải coi trọng chất lượng chứ không phải số lượng...
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhất trí và yêu cầu đưa các ý kiến chỉ đạo của các Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn vào kết luận hội nghị. Tổng giám đốc cũng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành BHXH Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đã vượt khó, đạt được những kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ. Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ theo nhiệm vụ của mình, nhanh chóng khắc phục các tồn tại đã nêu; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT trong tháng 6 và những tháng tiếp theo.
Phối hợp với các Bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ... Yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ chịu trách nhiệm cử cán bộ chuyên trách, bám sát tiến trình sửa đổi 3 Luật liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam là Luật BHXH, BHYT, Thanh tra...
Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta trong giai đoạn này là đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?