Bồi dưỡng kiến thức thông tin đối ngoại cho BHXH các tỉnh, thành phía Nam

29/11/2019 04:58 PM


Ngày 29/11, tại TP.HCM, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế và thông tin đối ngoại khu vực phía Nam năm 2019. Tham dự hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố và cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của BHXH các tỉnh, thành phía Nam...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính phủ giao, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Do đó, tính đến hết tháng 10/2019, cả nước đã có 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; khoảng 488 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 13,1 triệu người tham gia BH thất nghiệp và trên 85 triệu người tham gia BHYT - đạt tỉ lệ bao phủ 89,9% dân số.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc hội nghị

Để đạt kết quả trên, công tác thông tin tuyên truyền, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, trong đó có công tác thông tin đối ngoại… đã được tăng cường, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của Ngành. Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại đã được BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện, đáp ứng yêu cầu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội. Minh chứng mới nhất là, từ ngày 24 đến 28/11, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, Mêkong-Hàn Quốc và thăm chính thức Hàn Quốc. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho NLĐ Hàn Quốc.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt từ nay đến năm 2020 của Ngành đã và đang đặt ra yêu cầu rất lớn đối với hệ thống BHXH, đòi hỏi toàn Ngành phải tích cực, nỗ lực hơn nữa triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm giải pháp như: Tham vấn xây dựng thể chế chính sách, thu và phát triển đối tượng, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT...

Đặc biệt, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã yêu cầu “hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, phát huy được vai trò, tính hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và quản lý quỹ BHXH, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động có nhiều tiến bộ”. Đồng thời, lao động là người nước ngoài cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên yêu cầu về thông tin đối ngoại là hết sức cần thiết.

Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nội dung về tăng tuổi về hưu. Do đó, công tác tuyên truyền nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận của dư luận trong nước và quốc tế về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong sự nghiệp an sinh xã hội đất nước, góp phần thực hiện chế độ chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Tại hội nghị, các chuyên gia, diễn giả có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại đã trình bày, cập nhật thông tin về hội nhập quốc tế; tình hình thế giới và khu vực; quan điểm định hướng về công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới; cũng như công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Vụ trưởng, Trưởng Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020 đã trình bày công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ông Đào Ngọc Báu - Quyền Trưởng khoa Lãnh đạo học và chính sách công (Học viện Chính trị khu vực 4) đã có tham luận về hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam; đổi mới tư duy và chiến lược.

Diễn giả Trần Việt Thái trình bày tham luận

Trình bày những nét nổi bật về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2019, ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) cho biết, hiện trên thế giới, giữa các quốc gia lớn đang hình thành thế cạnh cạnh tranh về 3 phương diện. Theo đó, cạnh tranh chiến lược mà biểu hiện rõ nét là các sáng kiến toàn cầu như IPS, BRI; cuộc chiến thương mại, cụ thể là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình cấu trúc kinh tế khu vực mới; cạnh tranh công nghệ. Trong thế cạnh tranh trên, tính chất sẽ khác với trước đây, cạnh tranh gay gắt, nhưng vẫn có nhu cầu hợp tác và yếu tố truyền thống ngày càng ít dần…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những tác động nhất định, đòi hỏi phải có chiến lược ngoại giao linh hoạt, khôn khéo để phù hợp tình hình chung. Liên quan đến các vấn đề này, lĩnh vực an sinh xã hội cũng có nhiều ảnh hưởng tác động. Chẳng hạn, những tập đoàn lớn như Samsung dịch chuyển sản xuất về Việt Nam sẽ thu hút hàng chục vạn lao động và những người lao động này là đối tượng tham gia BHXH. Do đó, ngành BHXH cần phải tích cực trong công tác đối ngoại, xem đây là công việc thường xuyên và cần có chiến lược lâu dài cho công tác này.

Đáp lại sự kỳ vọng của các diễn giả, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, sau hội nghị các đại biểu, cán bộ đầu mối thông tin đối ngoại của BHXH Việt Nam, của BHXH các tỉnh, thành phố được cập nhật các thông tin mới, các định hướng quan điểm, tư duy để tiếp tục tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đáp ứng ngày càng có hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần tạo bước chuyển căn bản trong công tác hội nhập và hợp tác quốc tế của Ngành./.

Theo Trần Đức/Báo BHXH