Hợp nhất các tổ chức BHXH, thành lập BHXH Việt Nam và những kết quả bước đầu

Bài 4. Sự ra đời BHXH Việt Nam và những công việc khởi đầu

20/11/2019 10:39 AM


Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách BHXH với việc triển khai thống nhất BHXH bắt buộc cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế và sự ra đời của tổ chức BHXH Việt Nam.

Cố Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu (đứng) trong một buổi làm việc cùng lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố

Sau 10 năm thực hiện cải cách và chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, nền kinh tế nước ta bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn đổi mới đặt ra vấn đề phải xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết phải đổi mới hệ thống chính sách xã hội.

Trên cơ sở Bộ luật Lao động được thông qua tại kỳ họp thứ 05, Quốc hội khóa IX, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và liên bộ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách chế độ BHXH. Trong đó, văn bản chủ đạo về chế độ, chính sách BHXH là Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với công chức, công nhân viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật.

Để chuẩn bị công tác nhân sự cho BHXH Việt Nam, ngay từ cuối năm 1994, Chính phủ đã tổ chức họp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nghe hai đơn vị giới thiệu một số phương án nhân sự cho vị trí chủ chốt của BHXH Việt Nam. Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo: BHXH Việt Nam là đơn vị giúp Thủ tướng quản lý Quỹ BHXH là một quỹ tài chính lớn, người đứng đầu BHXH Việt Nam nên lựa chọn người có kiến thức quản lý tài chính, đồng thời am hiểu chính sách xã hội. Đồng chí Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ đã giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Châu, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính Văn xã, Bộ Tài chính, cử nhân Tài chính - Kế toán, đã từng theo học khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế ở Liên Xô và vừa hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ về đề tài Kinh tế BHYT.

Ngày 03/04/1995, theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 197/TTg về việc bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam; đồng chí Hoàng Minh Chúc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý; đồng chí Tào Hữu Phùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý; đồng chí Nguyễn Văn Châu, Vụ trưởng Vụ Tài chính-Hành chính Văn xã thuộc Bộ Tài chính, giữ chức ủy viên Hội đồng Quản lý, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; đồng chí Phạm Thành, Phó Trưởng Ban BHXH thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giữ chức Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Lễ bàn giao sự nghiệp BHXH tại TP. Hồ Chí Minh

Thực hiện Nghị định số 19/CP, ngày 24/06/1995, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Thông tư liên bộ số 125-TT/LB hướng dẫn việc bàn giao nhiệm vụ, tổ chức nhân sự BHXH của hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động Việt Nam sang BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng tiếp nhận bàn giao, ổn định bộ máy, tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Ở Trung ương, BHXH Việt Nam tiếp nhận 48 cán bộ, viên chức từ Tổng Liên đoàn Lao động; 07 cán bộ, viên chức thuộc Phòng Quản lý hồ sơ, Vụ Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; một số cán bộ từ Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác. Cơ quan mới thành lập, trụ sở làm việc còn chưa có, phải thuê tạm một số căn phòng tại Nhà khách Chính phủ số 37 Hùng Vương làm trụ sở BHXH Việt Nam. Trong nửa đầu năm 1995 này, cơ quan BHXH từ Trung ương đến địa phương chỉ tập trung vào việc nhận bàn giao từ hai ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và ổn định tổ chức. Ban lãnh đạo nhất trí phân công, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu thường trực tại Hà Nội, tập trung chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Phạm Thành đi công tác tại các địa phương, chỉ đạo việc nhận bàn giao tại các địa phương, làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác nhân sự và đề nghị chính quyền địa phương quan tâm phối hợp chỉ đạo công tác BHXH, một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ. Trước khối lượng công việc của Ngành BHXH, đòi hỏi phải được bổ sung nhân lực, đặc biệt là nhân sự chủ chốt. Ngày 28/06/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 379/TTg về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thành Xuyên, Ủy viên kiêm Chánh Văn phòng Ủy ban Thanh niên Việt Nam giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.  

Nhà A - Nhà khách 37 Hùng Vương - Trụ sở tạm thời của BHXH Việt Nam (tháng 4/1995 - tháng 12/1995)

Đến cuối tháng 09/1995, 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 565 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã thành lập cơ quan BHXH trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự từ 02 hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và bắt đầu triển khai hoạt động để thực hiện nhiệm vụ trong toàn hệ thống từ 01/10/1995. Từ ngày 01/10/1995, toàn hệ thống BHXH Việt Nam từ Trung ương đến địa phương với số lượng 4.864 cán bộ, công chức, viên chức chính thức triển khai nhiệm vụ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: Đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết với công việc là một trong những ưu thế; tuy nhiên, số cán bộ có trình độ trung, sơ cấp còn chiếm tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt ở các huyện miền núi, Đồng bằng sông Cửu Long, cá biệt còn có cán bộ không có nghiệp vụ, chưa tốt nghiệp THPT. Phần lớn công chức, viên chức chưa được đào tạo cơ bản về công tác tài chính, lao động, tiền lương và nhất là về lĩnh vực BHXH nên không tránh khỏi những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Tính đến hết năm 1995, BHXH 53 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận bàn giao, nhưng tài sản nhận bàn giao hết sức nghèo nàn. Chỉ có 02 địa phương có trụ sở làm việc là TP.Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; 06 tỉnh được nhận bàn giao ô tô, cùng với một số tài sản khác như bàn ghế, tủ, máy vi tính… trị giá theo đánh giá lại ước khoảng 2.547.586.890 đồng. Hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố và BHXH cấp quận, huyện, thị xã phải đi thuê hoặc mượn tạm trụ sở, các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với yêu cầu công việc.

Cũng trong thời gian này, thực hiện Nghị định số 45/CP ngày 15/07/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, các bộ phận làm công tác BHXH Quân đội nhân dân (sau này là BHXH Bộ Quốc phòng) và BHXH Công an nhân dân đã được kiện toàn, nhân sự và tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, chịu sự hướng dẫn và quản lý về nghiệp vụ của BHXH Việt Nam./.

Dương Ngọc Ánh