Hợp nhất các tổ chức BHXH, thành lập BHXH Việt Nam và những kết quả bước đầu

Bài 3. Những đổi mới về hệ thống tổ chức BHXH tại Nghị định 43/CP

14/11/2019 10:49 AM


Với quy định thành lập hệ thống tổ chức BHXH độc lập, tập trung, thống nhất, có thể nói, sự ra đời của Nghị định 43/CP là sự khởi đầu cho việc cải cách toàn diện hệ thống BHXH ở Việt Nam.

Cụ thể, về hệ thống tổ chức BHXH, tại Điều 23, Điều 24 của Nghị định 43/CP quy định, Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam để quản lý thống nhất quỹ và sự nghiệp BHXH quy định tại Nghị định này trên cơ sở thống nhất tổ chức BHXH thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thành lập Hội đồng quản trị BHXH Trung ương gồm đại diện chủ yếu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính. Có thể nói, sự ra đời của Nghị định 43/CP là sự khởi đầu cho việc cải cách thực sự cho hệ thống BHXH ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian này, cũng chỉ có 05 tỉnh thí điểm tiếp tục duy trì hoạt động của cơ quan BHXH trên cơ sở sáp nhập sự nghiệp BHXH trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vào Công ty BHXH ngoài quốc doanh, chính thức đổi tên thành cơ quan BHXH cấp tỉnh, thành phố. Từ tháng 07/1993, BHXH 05 tỉnh, thành phố tập trung giải quyết chế độ hưu trí cho số cán bộ công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang nghỉ chờ không chuyển xếp lương mới mà hưởng chế độ BHXH theo Nghị định 236/HĐBT ngày 18/09/1985, đồng thời hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH thực hiện theo Nghị định 43/CP; thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho người đang hưởng chế độ theo Điều 3 Nghị định 27/CP ngày 23/05/1993 của Chính phủ; tổ chức chi trả lương hưu hàng tháng cho đối tượng.

Theo quy định mới, Quỹ BHXH vẫn được phân thành các quỹ thành phần để chi trả các chế độ ngắn hạn và dài hạn, nhưng không để lại một phần tại đơn vị sử dụng lao động để chi trả trực tiếp một số chế độ cho người lao động như trước nữa mà nộp toàn bộ cho BHXH tỉnh để quản lý tập trung, thống nhất. BHXH 05 tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai truy thu 5% của người lao động từ 01/4/1993; truy thu BHXH 8% của các đơn vị từ ngày 01/01/1993 đến 31/12/1993 và thực hiện thu nộp 15% từ ngày 01/01/1994 đến 31/12/1994. Đồng thời cũng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ, quyền lợi BHXH có liên quan theo quy định hiện hành.

Có đầy đủ các cơ sở pháp lý, việc triển khai nhiệm vụ của BHXH các địa phương thí điểm phần nào tháo gỡ được những khó khăn của buổi đầu triển khai. Nhưng khối lượng công việc ngày càng nhiều trong khi bộ máy tổ chức BHXH mới chỉ tập trung ở cấp tỉnh, ở cấp huyện vẫn phụ thuộc vào lực lượng cán bộ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.

Nhận định việc tổ chức bộ máy BHXH theo quy định tại Nghị định 43/CP chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới hệ thống chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH nói riêng và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, ngày 28/01/1994, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã có Tờ trình số 14/TTr-TCCP kèm theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thành lập BHXH Việt Nam và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị BHXH (trích nguyên văn từ Nghị định 43/CP-Tg), gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Ngày 07/05/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 215/TTg về những công việc cần làm ngay để triển khai Nghị định 43/CP, đưa ra 04 yêu cầu cấp bách:

Thứ nhất, thành lập Ban Trù bị triển khai thực hiện Nghị định số 43/CP ngày 22/06/1993 của Chính phủ do một đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ làm Trưởng Ban và đại diện có thẩm quyền của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm thành viên. Ban Trù bị có nhiệm vụ chuẩn bị để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam kèm theo điều lệ tổ chức và hoạt động; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Hội đồng quản trị của tổ chức BHXH Việt Nam, các thành viên và chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban Kiểm soát, các thành viên và nhiệm vụ của Ban; Phương án sắp xếp tổ chức và nhân sự trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH hiện nay thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bộ máy và nhân sự của hệ thống BHXH Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm tra tài sản, vốn, công nợ và biên chế của các tổ chức BHXH thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý.

Thứ hai, trong Quý IV/1994, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức BHXH trực thuộc bàn giao xong vốn, tài sản, công nợ và nhân sự của mình sang cho tổ chức BHXH Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 43/CP.

Thứ ba, từ ngày 01/01/1995, tổ chức BHXH Việt Nam chính thức hoạt động và có trách nhiệm thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động quy định tại Nghị định số 43/CP.

Thứ tư, các ngành, các cấp liên quan cần sớm ban hành các thông tư hướng dẫn về các chế độ quy định tại Nghị định số 43/CP. Việc thu và chi trả các chế độ BHXH trước mắt vẫn thực hiện thông qua các tổ chức cũ hiện hành cho đến khi hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Để thực hiện 04 công việc trọng tâm trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Trù bị và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành những nhiệm vụ trên đây đúng tiến độ đề ra và hàng tháng phải báo cáo kết quả công việc đã tiến hành; đồng thời cần phản ánh những vấn đề mới phát sinh do Thủ tướng Chính phủ biết để giải quyết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã khẩn trương thành lập Ban Trù bị thực hiện Nghị định số 43/CP, gồm có các thành viên: đồng chí Tô Tử Hạ, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ; đồng chí Lê Duy Đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Hồng Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; đồng chí Tào Hữu Phùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Vũ Kim Quỳnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ban Trù bị đã thống nhất phân công theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành chuẩn bị nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề lấy ý kiến Ban Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… về các chế độ BHXH, về quản lý Quỹ BHXH, về hệ thống tổ chức BHXH, về quá trình chuyển giao các tổ chức BHXH hiện có khi thành lập BHXH Việt Nam, về công tác nhân sự của BHXH Việt Nam…

Ngày 31/08/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 472/TTg về việc kiểm kê tài sản của các tổ chức BHXH trực thuộc Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngành LĐTBXH. Theo Quyết định này, các tài sản đã được kiểm kê của các tổ chức BHXH hiện nay sẽ được bàn giao cho tổ chức BHXH mới thành lập. Ngày 07/10/1994, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 220/TCCP-CB về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo BHXH Việt Nam.

Trong khi việc chuẩn bị thành lập tổ chức BHXH theo Nghị định số 43/CP được triển khai, ngày 23/06/1994, tại kỳ họp thứ 05, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, trong đó dành hẳn chương XII quy định về chế độ BHXH với nhiều điểm mới. Trước tình hình này, Ban Trù bị thực hiện Nghị định 43/CP đã trình xin ý kiến Chính phủ việc thi hành Nghị định 43/CP chỉ thực hiện đến hết ngày 31/12/1994, đồng thời trình Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH và Dự thảo Nghị định về việc thành lập BHXH Việt Nam. Ngoài ra, các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, dự thảo nhiều thông tư hướng dẫn thi hành các Nghị định trên. Như vậy, đến thời điểm này, bước chuẩn bị cho sự ra đời của BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành./.

Dương Ngọc Ánh