Từ ngày 01/7/2025: Nhiều điểm mới trong quản lý công chức với 4 Nghị định quan trọng của Chính phủ

08/07/2025 09:48 AM


Những điểm nổi bật của các Nghị định này bao gồm việc thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã, bỏ hình thức thi nâng ngạch, chuyển sang quản lý công chức theo vị trí việc làm, bãi bỏ hình thức giáng chức và đặc biệt là cho phép ký hợp đồng để thu hút chuyên gia, nhân tài tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước.

Cụ thể, bốn Nghị định mới được ban hành gồm Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; và Nghị định số 173/2025/NĐ-CP quy định về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức.

Nghị định số 170/2025/NĐ-CP được đánh giá là văn bản trọng tâm trong bộ Nghị định lần này. Điểm mới nổi bật của Nghị định là quy định thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã. Đồng thời, phương thức quản lý được chuyển sang quản lý theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm để thực hiện công tác tuyển dụng, bố trí và bổ nhiệm công chức. Nghị định cũng quy định chi tiết các điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ và quy trình tuyển dụng công chức phù hợp với từng vị trí việc làm, đặc biệt là đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý có yêu cầu chuyên môn cao. Một bước cải cách quan trọng là việc bỏ thi nâng ngạch, thay vào đó, công chức sẽ được đánh giá dựa trên kết quả công việc, phẩm chất và năng lực thực tế. Ngoài ra, Nghị định không tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất cấp quốc gia mà trao quyền chủ động nhiều hơn cho các bộ, ngành và địa phương. Nghị định cũng đưa ra các quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp đang tạm dừng tuyển dụng trước ngày 01/12/2024, người đang trong thời gian tập sự và việc xếp ngạch cho công chức được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.

Trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công chức, Nghị định số 171/2025/NĐ-CP đã có sự thay đổi quan trọng về tư duy và phương thức thực hiện. Theo đó, hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức được bãi bỏ, thay bằng việc đào tạo, bồi dưỡng gắn chặt với từng vị trí việc làm, nhu cầu sử dụng, bổ nhiệm và quản lý công chức. Công chức sẽ phải chủ động tự nghiên cứu, lựa chọn chương trình bồi dưỡng phù hợp với vị trí công tác của mình. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, địa phương trong tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đáng chú ý, công chức lãnh đạo, quản lý bắt buộc phải tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước sau khi được bổ nhiệm.

Liên quan đến công tác xử lý kỷ luật, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý. Nghị định chính thức bỏ hình thức giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý, đồng thời bãi bỏ hình thức hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ quản lý. Việc này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật của Đảng và kỷ luật hành chính trong hệ thống chính quyền, đồng thời phù hợp với các quy định mới của Luật. Nghị định cũng bổ sung những quy định chi tiết về các trường hợp được loại trừ, miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật, phù hợp với Quy định số 69-QĐ/TW, Quy định số 264-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 296-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đặc biệt, Nghị định số 173/2025/NĐ-CP thiết lập cơ chế mới về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công. Theo Nghị định này, Nhà nước cho phép ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ để thực hiện một số nhiệm vụ công vụ. Đáng chú ý, Nhà nước có thể ký hợp đồng với các nhà quản lý, doanh nhân xuất sắc, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để đảm nhận các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý mang tính chiến lược, đột xuất hoặc cấp bách. Kinh phí chi trả cho việc ký hợp đồng được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, tối đa bằng 10% tổng quỹ lương, thưởng, và nằm ngoài quỹ lương biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Với những quy định mới, đồng bộ và mang tính cải cách sâu rộng, bốn Nghị định vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới./.

Thanh Hà