Khoảng trống không có lương hưu, trợ cấp của nhiều người cao tuổi
09/05/2025 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Việt Nam, đối tượng người cao tuổi đang tăng nhanh về số lượng lẫn tỷ lệ. Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 17 triệu người cao tuổi, chiếm gần 17% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17 - 20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác.
Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh cho người cao tuổi trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, còn rất nhiều người cao tuổi đang sống không có lương hưu, không nhận được trợ cấp hàng tháng, và không có đối tượng phụng dưỡng. Đây chính là “khoảng trống an sinh” đáng lo ngại trong chính sách đối với người cao tuổi.
Ảnh minh họa
Khoảng trống an sinh
Theo BHXH Việt Nam, tính đến năm 2024 Việt Nam hiện có gần 17 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 2,47 triệu người cao tuổi tham gia BHXH (có 2,2 triệu người cao tuổi đã tham gia BHXH và đang hưởng lương hưu hằng tháng với mức lương hưu bình quân gần 6 triệu đồng/tháng).
Phân tích của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) năm 2022 cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ bao phủ lương hưu tương đối thấp. Trong khi tỷ lệ bao phủ lương hưu trung bình toàn cầu đạt 77,5% thì tại Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 40%. Tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ bao phủ lương hưu và trợ cấp cho người cao tuổi đạt từ 80 - 100%. Điều này cho thấy, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo mục bao phủ toàn dân trong đối tượng cao tuổi.
Hiện nay, người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi đủ điều kiện thì có thể nhận các khoản thu nhập sau: Lương hưu BHXH hàng tháng (nếu đã đóng đủ và đủ tuổi nghỉ hưu); trợ cấp hưu trí xã hội (cho người nghèo, khuyết tật, đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn) và trợ cấp người có công. Tuy nhiên trên thực tế, đa số người cao tuổi trong độ tuổi 60-79 không thuộc diện nhận chế độ nào. Chỉ khi qua tuổi 80, người cao tuổi mới được hưởng trợ cấp xã hội chung. Khoảng trống 20 năm từ 60 đến 80 tuổi là giai đoạn người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe, chi phí y tế, và cần được bảo đảm thu nhập. Trong khi đó, đối tượng này lại bị bỏ lỡ trong hệ thống an sinh.
Từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH 2024 chính thức có hiệu lực, trong đó điểm mới nổi bật nhất là thiết lập hệ thống BHXH đa tầng, bao gồm: Tầng 1 - Trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN chi trả; tầng 2 - BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và tầng 3 - BHXH hưu trí bổ sung – tự nguyện theo nguyên tắc đóng hưởng.
Trong đó, tầng 1 là điểm nhấn quan trọng: trợ cấp hưu trí xã hội sẽ bắt đầu từ tuổi 75 (hiện là 80). Đồng thời, người từ 70 - 74 tuổi thuộc hộ nghèo/cận nghèo sẽ được xem xét hưởng. Sự thay đổi này đã góp phần rút ngắn 5-10 năm khoảng trống an sinh hiện tại. Đồng thời, tăng tỷ lệ bao phủ đối tượng nhận trợ cấp, tạo động lực tham gia BHXH ở những nhóm đối tượng rời rạc hiện nay. Ngoài ra, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện nhận lương hưu hoặc trợ cấp xã hội sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng từ khoản BHXH đã đóng (nếu không rút BHXH một lần). Mức trợ cấp được tính dựa trên thời gian và mức đóng, và ít nhất bằng mức trợ cấp xã hội.
Hướng tới hệ thống bao phủ toàn dân, linh hoạt, bền vững
Việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội vào hệ thống BHXH tại Việt Nam đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc tiệm cận mô hình an sinh xã hội đa tầng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một hệ thống hưu trí toàn diện cần được thiết kế dựa trên ba tầng: (1) bảo trợ xã hội phổ quát (non-contributory), (2) bảo hiểm hưu trí cơ bản (contributory), và (3) các hình thức tiết kiệm hưu trí bổ sung (voluntary or occupational pensions).
Tại các quốc gia phát triển như Đức, Thụy Điển, Nhật Bản hay Hàn Quốc, hệ thống hưu trí thường được vận hành với sự kết hợp của cả ba tầng nói trên. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mọi công dân từ 65 tuổi trở lên đều nhận được một khoản trợ cấp cơ bản từ chính phủ, dù có hay không có quá trình đóng góp trước đó. Cơ chế này giúp đảm bảo không một người già nào bị rơi vào cảnh đói nghèo tuyệt đối do không có lương hưu.
Với Luật BHXH 2024, Việt Nam đang tiệm cận logic này thông qua việc hình thành hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Cách tiếp cận “đa tầng” không chỉ giúp mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, mà còn đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm lao động khác nhau – từ khu vực chính thức, phi chính thức đến những người không có khả năng tham gia đóng góp. Ngoài ra, việc cho phép nhận trợ cấp hằng tháng từ chính phần đóng góp của người lao động trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng thể hiện tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong chính sách an sinh xã hội mới.
Điểm quan trọng là chính sách không chỉ hướng tới “trợ giúp”, mà còn khuyến khích người dân tham gia BHXH từ sớm, liên tục, lâu dài – qua đó tạo dựng một hệ thống hưu trí bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội cải thiện tình hình an sinh cho người cao tuổi, việc triển khai hiệu quả Luật BHXH 2024 vẫn còn đối mặt với không ít thách thức, khó khăn.
Về nguồn lực ngân sách, việc mở rộng diện trợ cấp hưu trí xã hội, điều chỉnh độ tuổi thụ hưởng theo hướng sớm hơn, tăng mức trợ cấp định kỳ,… sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Theo ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chỉ riêng việc chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên hiện đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nếu độ tuổi được hạ xuống 75, con số này chắc chắn sẽ gia tăng mạnh. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa nhanh.
Hiện độ bao phủ BHXH vẫn còn thấp ở khu vực phi chính thức – nơi chiếm tới hơn 60% lực lượng lao động cả nước. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, mới chỉ có khoảng 38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện. Điều này dẫn tới một tỷ lệ lớn người già trong tương lai sẽ không có lương hưu, tiếp tục tạo áp lực cho hệ thống trợ cấp xã hội.
Ngoài ra, nhận thức người dân về chính sách BHXH còn chưa đồng đều. Nhiều người lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn hoặc làm nghề tự do, vẫn xem BHXH như một gánh nặng, hoặc hiểu nhầm rằng đóng BHXH là “bị trừ lương”, là “không hiệu quả”. Chính điều này khiến hiện tượng rút BHXH một lần dù có giảm gần đây, vẫn còn phổ biến, tạo ra “khoảng trống hưu trí” trong tương lai.
Do đó, để chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và hệ thống BHXH đa tầng phát huy tối đa hiệu quả, hướng tới bao phủ toàn dân, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đang đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, truyền thông chính sách bằng hình thức dễ hiểu, gần gũi, nhấn mạnh lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, đặc biệt là với người trẻ. Các câu chuyện thực tế từ người về hưu đang hưởng lương hưu ổn định, so với người không có lương hưu, sẽ tạo hiệu ứng nhận thức rõ ràng.
Trong bối cảnh dân số đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội vững mạnh, toàn diện không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm phát triển bền vững quốc gia. Khoảng trống lương hưu của người cao tuổi – nếu không được lấp đầy – sẽ là thách thức lớn về mặt nhân đạo, xã hội và cả kinh tế. Việt Nam đang đi đúng hướng khi thực hiện cải cách BHXH theo hướng đa tầng. Điều quan trọng tiếp theo là biến chủ trương thành hành động, chính sách thành thực tiễn – để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình đến tuổi già an lành.
Nguyễn Duy
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
(Podcast) Tháng 5 - Tháng triển khai vận động BHXH toàn dân ...
Khảo sát nhu cầu tiếp nhận thông tin trên Fanpage và Zalo ...
Nghệ An: Hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH ...
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác lĩnh vực BHYT Việt Nam - Trung ...
Tiếp tục kiện toàn tổ chức BHXH và các cơ quan ngành dọc ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?