Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân
04/11/2024 04:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống NCC và thân nhân.
Xác định công tác NCC là nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, thành phố Hà Nội luôn có chính sách đặc thù để triển khai các hoạt động tri ân hiệu quả và mang ý nghĩa thiết thực.
Người có công được thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.
Ngày 8/12/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ NCC với cách mạng và thân nhân. Theo đó, Hà Nội đã trích ngân sách của thành phố thực hiện 4 chính sách đặc thù để cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao mức sống NCC và thân nhân
Chính sách đặc thù thứ nhất là chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng 2 năm/lần. Bắt đầu từ năm 2023, nếu trong năm, NCC không thực hiện điều dưỡng theo chính sách Trung ương thì sẽ đi điều dưỡng theo chính sách đặc thù thành phố Hà Nội.
Với quy định này, NCC và thân nhân liệt sĩ sẽ được hưởng chính sách điều dưỡng phục hồi sức khỏe 1 năm/lần (1 năm đi điều dưỡng theo chính sách Trung ương và 1 năm thực hiện chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội).
Chính sách đặc thù thứ hai là NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC được hỗ trợ khám sức khỏe 1 triệu đồng/người.
Chính sách thứ ba, đối với NCC với cách mạng và thân nhân đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC thành phố;
Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin thành phố thì được hỗ trợ tiền ăn mức 3 triệu đồng/người; chi phí khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường) 500.000 đồng/người/tháng.
Chính sách thứ tư là hỗ trợ tiền mai táng phí khi NCC với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần. Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm NCC với cách mạng và thân nhân từ trần.
Những chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội đã góp phần hỗ trợ NCC và thân nhân cải thiện cả về sức khỏe thể chất và tinh thần rất lớn. Vừa trở về nhà sau chuyến điều dưỡng tại Thanh Thủy (Phú Thọ), ông Trần Văn Thanh (ở quận Hà Đông) chia sẻ: “Sau mỗi đợt đi điều dưỡng và được nhận 1 triệu đồng, tôi rất phấn khởi. Với số tiền này, tôi sẽ mua thêm thuốc để bồi bổ nâng cao sức khỏe”.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe và hỗ trợ khám sức khỏe 1 triệu đồng của thành phố đã giúp tăng đối tượng tham gia điều dưỡng tập trung hàng năm.
Năm 2022, quận Hà Đông có trên 300 NCC và thân nhân đi điều dưỡng tập trung nhưng sang năm 2023 tăng lên hơn 700 người. Đến năm 2024, 970 NCC và thân nhân đi điều dưỡng tập trung, tăng 3 lần so với 3 năm trước.
Cùng với việc nâng cao sức khỏe NCC, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), thành phố Hà Nội đã dành gần 100 tỷ đồng thăm, tặng quà, tri ân các gia đình chính sách, NCC.
Trong đó, gần 73 tỷ đồng thăm và tặng quà 12.150 gia đình chính sách, NCC trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp, mỗi suất quà trị giá 6 triệu đồng (5 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 1 triệu đồng); hơn 600 triệu đồng thăm, tặng quà 57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trị giá mỗi suất là 11 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 1 triệu đồng).
Các địa phương chi hơn 25 tỷ đồng hỗ trợ gặp mặt, tri ân 4.230 cựu chiến binh, công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp. Mức hỗ trợ trị giá 6 triệu đồng/suất (5 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 1 triệu đồng).
Theo thống kê, 9 tháng qua, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 8.200 hồ sơ hưởng chế độ NCC và thân nhân.
Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi NCC là 1.930 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp gần 79.000 NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.633 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 155 tỷ đồng; chi quà lễ, tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng NCC 70,5 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố đã xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 33,7 tỷ đồng (đạt 147,6% kế hoạch năm); tặng 1.734 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 5,4 tỷ đồng (đạt 139,3%); tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 157,3 tỷ đồng (đạt 171%).
Thành phố vận động xã hội hóa tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho hộ NCC với cách mạng, kinh phí 6,5 tỷ đồng (đạt 119,5%). Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được địa phương quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo.
Với những chính sách thiết thực, hiệu quả, đời sống NCC với cách mạng trên địa bàn Thủ đô ngày càng nâng cao, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng.
Theo Báo Dân sinh
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?