“Công cụ” bảo vệ quyền lợi của người lao động
30/03/2024 03:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một trong những vấn đề gây bức xúc thời gian qua đó là không ít người sử dụng lao động đã có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Luật BHXH hiện hành quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là chậm đóng, trốn đóng BHXH. Nhưng luật hiện hành lại không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH và hành vi trốn đóng BHXH. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Liên quan đến khung khổ pháp lý về xử lý trốn đóng BHXH, Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215); tội trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho người lao động (Điều 216). Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng ban hành Nghị quyết số 05/2019/HĐTP hướng dẫn áp dụng 3 điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, do còn có cách hiểu khác nhau, khó khăn trong xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản nên tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn xảy ra, nhưng việc xử lý vẫn gặp khó. Hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật hình sự nhưng thực tế cho thấy, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử “gần như bằng 0”. Với thực tế xử lý này mà không ít doanh nghiệp đã cố tình ngụy biện do làm ăn khó khăn nên nợ bảo hiểm chứ không phải là trốn đóng bảo hiểm.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã chỉnh lý quy định làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định cụ thể biện pháp xử lý vi phạm đối với việc chậm đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng vào quỹ BHXH; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi chậm đóng bảo hiểm còn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm về trốn đóng BHXH bắt buộc, ngoài bị áp dụng biện pháp tương tự đối với hành vi chậm đóng như trên, thì người vi phạm còn bị áp dụng chế tài mạnh hơn đó là bị “truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”.
Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về mức hình phạt đối với tội trốn đóng BHXH cho người lao động. Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH tùy mức độ hành vi vi phạm và hậu quả sẽ phải chịu hình phạt tù phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tù 2 năm đến 7 năm. Do đó, việc luật hóa quy định người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bị “truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật” trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là rất cần thiết để làm căn cứ xử lý khi xảy ra vi phạm về trốn đóng BHXH.
Việc chậm đóng, trốn đóng BHXH là thực trạng đáng lo ngại, gây bức xúc dư luận. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc quy định cụ thể về biện pháp xử lý đối với vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH như dự thảo luật sẽ tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Và đây cũng chính là “công cụ” quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tú Linh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?