Ban hành nghị định tháo gỡ khó khăn về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

01/03/2024 08:43 AM


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Nghị định 24 đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư; cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin - đấu thầu qua mạng để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Theo Nghị định 24, để giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa trong cải cách, nâng cao hiệu quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đi đôi với tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách

Nghị định 24 đã quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm các bệnh viện có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian.

 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Internet

Liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có một nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.

Đối với trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, bệnh viện được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng giá hợp đồng.

Ngoài ra, trường hợp nhà thầu đã trúng thầu (bao gồm cả trúng thầu gói thầu đấu thầu tập trung) nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục cung cấp thuốc thì bệnh viện được phép chỉ định thầu cho nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu mà không giới hạn hạn mức chỉ định thầu.

Quy định như vậy sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh; cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương.

Được chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu

Về xác định giá gói thầu, Nghị định 24 quy định việc thu thập báo giá là một trong 7 căn cứ để xác định giá gói thầu. Riêng lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu; đối với các lĩnh vực khác thì chỉ được lấy giá trị trung bình của các báo giá làm giá gói thầu.

Quy định này nhằm góp phần giúp bệnh viện lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của mình.

Để bảo đảm phù hợp với đặc thù mua sắm tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, có ít nhân sự, Nghị định 24 cũng quy định trường hợp chủ đầu tư không có nhân sự đáp ứng yêu cầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu tư vấn để làm tổ chuyên gia, tổ thẩm định thì có quyền huy động, giao việc cho các nhân sự là các bác sỹ, dược sỹ, cán bộ quản lý hoặc mời các cán bộ thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định để thực hiện hoạt động mua sắm.

PV