Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028, thúc đẩy đoàn kết quốc tế và phát triển bao trùm, bền vững
28/02/2024 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Nguyễn Anh Hiển/Pv TTXVN tại Thụy Sỹ
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sau hơn 75 năm thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, 30 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, Nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Bộ trưởng nêu rõ Hội đồng Nhân quyền cần tập trung thúc đẩy các ưu tiên cao nhất đối với người dân là việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm thúc đẩy thực thi Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất, nhất là kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác.
Nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2023, Việt Nam cũng xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới. Bộ trưởng cũng tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tại Phiên họp cấp cao Khóa 56 vào tháng 6 tới, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hằng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng chia sẻ Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019.
Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu các nước nhấn mạnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những thách thức ngày càng gia tăng đối với việc bảo đảm quyền con người như xung đột vũ trang, bất ổn tại nhiều khu vực nhất là ở Dải Gaza, cùng với đó là hàng loạt thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), đang ngày càng đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo đảm đầy đủ và toàn diện các quyền con người. Các lãnh đạo LHQ cho rằng xung đột vũ trang, bất ổn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thụ hưởng các quyền con người, đồng thời cảnh báo có hai cuộc chiến chống lại người nghèo và môi trường, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương là những người chịu những hậu quả nặng nề nhất.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis kêu gọi Hội đồng Nhân quyền đẩy mạnh đối thoại, tìm kiếm giải pháp chung toàn diện, đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển, đảo nhỏ trong vấn đề biển đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong xung đột, xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và các hệ quả của chủ nghĩa thực dân.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Mai Phan Dũng cùng đoàn công tác của Việt Nam tham dự Phiên họp. Ảnh: Nguyễn Anh Hiển/Pv TTXVN tại Thụy Sỹ
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người, phát huy vai trò của chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự trong xung đột. Tổng Thư ký kêu gọi các nước ủng hộ các chương trình nghị sự, sáng kiến lớn của LHQ như Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9 tới, Thỏa thuận Số toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ông cho rằng cần cải tổ các định chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng hơn cho các nước đang phát triển, cũng như bảo đảm công lý khí hậu, trong đó các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải đi đầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, các nước phát triển phải hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thích ứng của các nước đang phát triển.
Cao ủy Nhân quyền của LHQ Volker Türk nêu quan ngại về tình trạng xung đột gia tăng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân; nhấn mạnh đóng góp của hệ thống nhân quyền LHQ và các nước trong năm 2023 kỷ niệm 75 năm ra đời Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, với 150 nước và 255 tổ chức quốc tế tham gia đưa ra 770 cam kết tự nguyện.
Theo TTXVN
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh làm việc tại BHXH tỉnh Long ...
Lương hưu – Nền tảng cho cuộc sống ổn định khi về già của ...
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH ...
Bình Thuận đạt và vượt chỉ tiêu chi trả các chế độ BHXH, ...
BHXH Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?