Thường trực Ban Bí thư: TP.HCM cần gia tăng số người tiếp cận BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh xã hội bền vững
17/07/2023 08:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại TP. HCM, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự Hội nghị có Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, cũng là dịp để TP.HCM đánh giá toàn diện tình hình, kết quả, những mặt làm được và chưa được; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; dự báo bối cảnh, thời cơ và thử thách; bàn những giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển, giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng và phát sinh.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, kinh tế TP.HCM trong quý II được đánh giá đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,87%, giúp GRDP nửa đầu năm ước tăng 3,55%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 9% so với quý I và cùng kỳ năm 2022. Về đầu tư công, vốn thực hiện quý II của thành phố ước hơn 10.260 tỷ đồng, tăng trên 89% so với quý I và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, ước thực hiện gần 15.700 tỷ đồng, tăng 43,9%. Nửa đầu năm, thành phố cũng đạt doanh thu du lịch cao nhất nước với hơn 80.800 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2019. Khách đến thành phố trong 6 tháng qua ước đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 48% so cùng kỳ 2022, bằng 105% so với trước dịch...
“Kinh tế thành phố có lúc đạt tăng trưởng 2 con số, gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân chung cả nước, nhưng giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy vào quý I năm nay khi chỉ đạt 0,7%. Đây là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại tích tụ nhiều năm qua do cơ chế kinh tế TP.HCM chậm được tái cơ cấu, thế chế quản lý đô thị trên 10 triệu dân còn bất cập. Ngoài ra, các công trình, dự án hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho thành phố chậm được triển khai. Tuy nhiên, với những tiền đề đã được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ, các nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách từ Trung ương và nỗ lực của thành phố, các chuyên gia dự báo kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026”- ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức
Ông Mãi cũng khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98; các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù vượt trội để phát triển. Tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Cùng với đó, kinh tế thành phố sẽ được tái cấu trúc với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Đồng thời, định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông-hướng biển…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư nhận định, TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề về môi trường, tội phạm, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Dù vậy, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, TP.HCM có những điểm khác biệt so với các địa phương khác. Mặc dù có khó khăn, có những trồi sụt không vững chắc, nhưng TP.HCM cũng có những điểm sáng về các mục tiêu, chỉ số về kinh tế-xã hội. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn. Việc nào cần phối hợp thì tiếp tục, không để kéo dài ảnh hưởng đến cơ hội, phát huy tiềm năng của thành phố. Bởi, sự phát triển của TP.HCM không chỉ là cho nhân dân thành phố hiện nay và trong tương lai, mà quan trọng là còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước cũng như của khu vực Đông Nam Bộ.
Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị TP.HCM chú trọng đến các vấn đề thiết yếu, nhu cầu cuộc sống của người dân như giáo dục, y tế, văn hóa. Đặc biệt, cần gia tăng số người tiếp cận BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh bền vững, lâu dài cho người dân, NLĐ. Đồng thời, Thường trực Ban Bí thư cũng tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, quyết tâm, nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân mỗi ngày một nâng cao.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?