Xây dựng Luật BHYT (sửa đổi): Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn
09/05/2023 02:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 9/5, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, quan điểm chung của BHXH Việt Nam trong góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT (Luật BHYT sửa đổi) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến là hướng tới hệ thống y tế bền vững, khắc phục các vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay. Trong đó, cơ quan BHXH Việt Nam là đơn vị thực hiện chính sách BHYT, trực tiếp triển khai những nội dung mới cũng như tiếp nhận những vướng mắc mà chính sách mang lại, do đó cần phải chủ động tham gia xây dựng Luật ngay từ ban đầu, góp phần đảm bảo các văn bản chính sách BHYT sát nhất với thực tiễn.
Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý, việc xây dựng chính sách mới luôn cần có các đánh giá, dự báo tác động khi triển khai thực hiện. Đây cũng là kiến nghị quan trọng của BHXH Việt Nam với Ban soạn thảo Dự thảo Luật. Đồng thời, Phó Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên số liệu và thực tiễn thực hiện chính sách, chủ động xây dựng các đánh giá tác động các điểm mới mà Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang đề xuất.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì cuộc họp.
Về nội dung của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến rộng rãi, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT cho biết, hiện Ban thực hiện chính sách BHYT đang tiếp tục tập hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Luật từ các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương. Trong đó chia sẻ những vấn đề bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách BHYT hiện nay, cũng như dự báo những vướng mắc có thể phát sinh với những điểm mới mà Dự thảo đang đề xuất.
Theo Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, nội dung Dự thảo lần này có nhiều điểm mới so với dự thảo Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến từ năm 2020. Cụ thể, từ cuối năm 2020, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng Dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Tháng 7/2021, Bộ Y tế có Tờ trình số 983/Ttr-BYT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề cập 5 chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện. Theo đó, chính sách thứ nhất là mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến các nhóm đối tượng mà Luật BHYT 2014 chưa bao phủ hết. Thứ hai là mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT. Thứ ba là đa dạng loại hình cơ sở cung ứng DVYT, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Chính sách thứ tư là nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng DVYT và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT. Và chính sách thứ năm là phân bổ, sử dụng, quản lý quỹ BHYT hiệu quả.
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT lần này, Ban soạn thảo đề cập 3 chính sách cần sửa đổi. Chính sách thứ nhất là Mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT. Chính sách hai là Nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH. Thứ ba là Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chính sách, tính khả thi của các quy định trong văn bản Luật.
Các nội dung được điều chỉnh trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này cũng thống nhất với một số điểm mới trong các Luật liên quan. Cụ thể như quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong KCB theo hệ thống mới của Luật KCB (có hiệu lực từ 1/1/2024), thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu...
Tại Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, Bộ Y tế đưa ra 3 nhóm chính sách bao gồm: Mở rộng bền vững đối tượng, quyền lợi của người dân tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong văn bản Luật.
Chính sách thứ nhất về mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT đề cập đến 4 nội dung cụ thể, đó là: Mở rộng bền vững đối tượng tham gia BHYT; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT; mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp.
Chính sách thứ hai về nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, cơ quan BHXH thể hiện trong một số quy định sau: Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết tranh chấp về BHYT; nâng cao hiệu quả giám định và kiểm soát thanh toán BHYT; thể hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước với quỹ BHYT.
Chính sách thứ ba về đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong văn bản luật cũng đưa ra một số điểm mới. Cụ thể như: Nêu khái niệm BHYT hộ gia đình theo Luật Cư trú; thủ tục KCB BHYT được sửa đổi phù hợp với quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử; bổ sung chức năng của tổ chức BHXH trong đề xuất, tham gia xây dựng chính sách; giao Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng KCB.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cần phải đảm bảo nâng tầm hiệu quả quản lý, thực hiện hiệu quả chính sách BHYT; xác định rõ ràng vai trò, vị trí của từng chủ thể, cơ quan tham gia thực hiện chính sách. Do đó, Luật BHYT (sửa đổi) cần được xây dựng, phản biện dựa trên các bằng chứng và kinh nghiệm thực hiện chính sách trong thực tế, dự báo được các tình huống phát sinh trong tình hình mới./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?