Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9

28/10/2020 09:10 AM


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại TP.Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

Theo đó, thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- Phó Trưởng ban; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, TN-MT, GTVT, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ. Ban Chỉ đạo tiền phương sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, trong chiều nay (27/10), tại TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương để bàn các giải pháp và kế hoạch ứng phó với cơn bão này. Đặc biệt, tại cuộc họp, các bộ, ngành đã bàn kế hoạch sơ tán người dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra rủi ro đến nơi an toàn...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp ứng phó với bão số 9 (nguồn: Internet)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh, nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

PV