Làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

12/01/2019 11:58 AM


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1851/QĐ- TTg Phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đề án hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đề án tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: Thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường; trong đó chú trọng một số lĩnh vực: công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chuẩn đoán và điều trị bệnh. Đồng thời, nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đề án cũng đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam: Đổi mới cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, phát triển thị trường, tạo lập thị trường ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước tạo ra đạt tiêu chuẩn kỹ thuật so với nước ngoài trong các dự án đầu tư; Hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài trợ, hỗ trợ cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các tổ chức tín dụng, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đáp ứng nhu cầu chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam của doanh nghiệp;

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng; tháo gỡ các vướng mắc về quy định kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có các hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên;

Xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

Đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng khuyến khích, ưu tiên các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện môi trường,

Tăng cường, hoàn thiện công tác thống kê về chuyển giao, đổi mới và ứng dụng công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam của doanh nghiệp; nâng cấp cơ sở dữ liệu công nghệ, công nghệ cao,

Tăng cường hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá, định giá tài sản trí tuệ và góp vốn doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ.

Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân lực thuộc

Thứ tư, xác định định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, trình độ sản xuất và năng lực làm chủ, tự thiết kế, sáng tạo công nghệ trong nước.

Chú trọng tập trung các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo (ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,...); nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam: Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Huy động các nguồn vốn trong xã hội hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trên cơ sở kết hợp: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học để nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng công nghệ mới;

Triển khai các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ sáu, hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, mua bán và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo tạo nguồn nhân lực, chú trọng hợp tác với các nước có nền công nghiệp phát triển.

Thứ bẩy, công tác thông tin, tuyên truyền: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động đổi mới công nghệ, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phổ biến, nhân rộng các điển hình đổi mới công nghệ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2018. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

PV