Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

20/11/2018 11:03 AM


Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 20/11, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Toàn cảnh Phiên họp.

1. Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 452 đại biểu tán thành, chiếm 93,20% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm gồm 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trước khi tiến hành biểu quyết, các ĐBQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:

Về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 30): Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, Điều 30 của dự thảo Luật quy định: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34): việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…. Tuy dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc: UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành, cụ thể: người ứng cử ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Về các nội dung khác của dự thảo luật như: Giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;  phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước,... đều được rà soát, tiếp thu để hoàn thiện quy định tại dự thảo. Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến khác của các vị ĐBQH, hoàn thiện về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản của dự thảo Luật.

2. Luật Công an Nhân dân (sửa đổi)

Với 416 đại biểu tán thành, chiếm 85,77% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Trước khi tiến hành biểu quyết, các ĐBQH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:

Về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 17): Xác định xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn. Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ. 

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân (Điều 25): UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định số lượng vị trí từng cấp tướng; nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Đối với đơn vị đã rõ và thực hiện ổn định trên cơ sở kế thừa Luật CAND năm 2014 thì quy định cụ thể ngay trong Luật. Đối với đơn vị mới được hình thành sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao UBTVQH quy định.

Về số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng: Theo quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành thì có 02 đơn vị (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) có số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng không quá 04, cấp tổng cục số lượng cấp phó không quá 05. Do đó, để đáp ứng yêu cầu, UBTVQH đề nghị quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm Thiếu tướng của 02 Bộ Tư lệnh và 15 đơn vị cấp cục không quá 04, các đơn vị còn lại không quá 03.

Về biệt phái sĩ quan Công an nhân dân (Điều 29): Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này. Đối với luân chuyển sĩ quan nhằm mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hai trường hợp: trường hợp luân chuyển trong nội bộ ngành công an được thực hiện thông qua điều động, các chế độ, chính sách được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp luân chuyển ra ngoài ngành công an được thực hiện theo các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Ngoài các nội dung trên, UBTVQH đề nghị cho bỏ Điều 45 (quy định sửa đổi) tại dự thảo Luật để Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tổ chức, bộ máy; đồng thời đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và chỉnh lý kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 416 đại biểu tán thành, chiếm 85,77% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết.

Luật Côngan nhân dân  (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV  gồm 7 chương, 46 điều.Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch

Với 418 ĐBQH biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 09/11/2018, UBTVQH đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch và Quốc hội đã thảo luận tại hội trường (lần 2) về dự án Luật này. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và dự thảo Luật, đồng thời tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (Điều 6 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị không nên quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, nên nghiên cứu quy định ít nhất là 10 năm, có loại 20 năm, 30 năm. UBTVQH cho rằng, thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch là 10 năm. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nên thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải phù hợp với thời kỳ của quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch là 10 năm. Do vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học (Điều 10 dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 8 quy định thời kỳ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là 10 năm, tầm nhìn 30 năm, việc quy định thời kỳ các quy hoạch 10 năm sẽ gây ra xáo trộn và thiếu ổn định, rất khó cho người dân và các doanh nghiệp lên kế hoạch dài hạn. UBTVQH nhận thấy quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia nên việc quy định tầm nhìn quy hoạch phải tuân thủ theo quy định về thời kỳ quy hoạch tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch. Do vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, sau khi xem xét toàn diện và trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến, UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật (sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng) theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng Luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch. Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng (thuộc phụ lục 2 của Luật Quy hoạch) như quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Với nội dung của Quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch bảo đảm đủ căn cứ để quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.

Với đề nghị làm rõ thứ bậc của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được quy định tại nội dung sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng vì không phù hợp với thứ bậc của 2 loại quy hoạch này trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được Luật Quy hoạch quy định, UBTVQH cho biết, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn sẽ cụ thể hóa phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn trong quy hoạch tỉnh. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, để làm rõ thứ bậc của các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, UBTVQH đã chỉnh lý quy định tại Điều 13 Luật Xây dựng như được thể hiện tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật.

Nhất trí cao với Báo cáo của UBTVQH, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch với 418 ĐBQH biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số ĐBQH.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản... được quy định rất rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

PV (t/h)