Tiếp tục đưa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 vào thực tiễn đời sống

09/11/2018 07:01 PM


Hôm nay (9/11), Ngày Pháp luật Việt Nam và cũng là thời điểm tròn 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài viết với nhan đề: "Tiếp tục đưa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 vào thực tiễn đời sống". Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam xin giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch Quốc hội.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20-6-2013 quy định: “Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Kỷ niệm Ngày Pháp luật năm nay gắn liền với một sự kiện quan trọng trong đời sống pháp luật nước ta - 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013. Ngày 28-11-2013, tại kỳ họp thứ sáu, với tuyệt đại đa số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp thứ 5 của Nhà nước ta.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 là một mốc son trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Kế thừa các giá trị của các Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp năm 2013 đã tạo lập cơ sở hiến định mới cho thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, đưa sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân lên một tầm cao mới.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và có hiệu lực, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã tích cực bắt tay vào triển khai thi hành Hiến pháp. Qua 5 năm tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, có thể thấy rằng tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 đã và đang thấm sâu vào các quan hệ xã hội, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, trong ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Quốc hội khóa XIII, XIV đã tích cực thực hiện chức năng lập pháp để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp thành các quy định của luật trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành 107 luật và bộ luật, Quốc hội khóa XIV chỉ mới nửa nhiệm kỳ đã ban hành 28 đạo luật (dự kiến sau kỳ họp thứ sáu là 37 đạo luật), phạm vi điều chỉnh của các đạo luật cơ bản phủ khắp các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Chính phủ đã rất chủ động trong việc ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương ban hành với cả hệ thống pháp luật; triển khai nhiều biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, công tác cải cách tư pháp được triển khai mạnh mẽ, các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định các giá trị to lớn của Hiến pháp đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, đồng thời giúp chúng ta nhận diện rõ hơn các vấn đề bất cập đang đặt ra cần quyết liệt khắc phục để phát huy hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp năm 2013 trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội. Tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không chỉ được tôn vinh, nhấn mạnh trong Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) mà phải được quán triệt, đề cao và trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội, trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị ở tất cả các cấp. Mỗi cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được pháp luật quy định cần tiếp tục chủ động, sáng tạo để đưa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 vào thực tiễn cuộc sống.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, triển khai thi hành Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp, đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật để tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong các đạo luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn đời sống.

Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc hiến định: tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật, có các giải pháp phù hợp để tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Công khai hóa, minh bạch hóa mọi hoạt động tuân thủ và chấp hành pháp luật, các quyết định áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vi phạm pháp luật theo phương châm không bỏ sót tội phạm, không làm oan người vô tội, mọi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật nhằm đảm bảo công lý, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cho sự phát triển đất nước trong tầm nhìn dài hạn. Do vậy, việc nghiên cứu, học tập Hiến pháp để hiểu đúng Hiến pháp, hành động đúng theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, học tập Hiến pháp, dựa vào Hiến pháp, pháp luật để hoạt động sáng tạo, dựa vào Hiến pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tự do, nhân phẩm và danh dự của cá nhân, cộng đồng mình.

Cả xã hội phải dựa vào Hiến pháp, căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật để phát huy và thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận và đoàn kết cao trong xã hội. Nhà nước, các cơ quan Nhà nước tự giác đặt mình vào khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, dựa vào Hiến pháp, pháp luật để hành động vì lợi ích của Nhân dân, thật sự trở thành “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Để được như vậy cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò to lớn.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần nghiêm túc quán triệt các quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cùng các văn bản quy định chi tiết để có giải pháp thiết thực đổi mới cách làm, cách tiếp cận nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân giá trị, tinh thần và nội dung của Hiến pháp, kịp thời đưa các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định mới đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng xã hội, đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân.

Trước hết, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội phải thật sự nêu gương không chỉ trong việc tự giác chấp hành nghiêm túc Hiến pháp, pháp luật, mà còn thật sự gương mẫu trong học tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn càng cao càng phải tích cực nêu gương trong tuân thủ và thực hiện Hiến pháp và pháp luật, không chỉ trong thực thi công vụ mà cả trong cuộc sống thường ngày. Có như vậy mới tạo được sự lan tỏa tích cực trong các tầng lớp nhân dân về tinh thần thượng tôn pháp luật, thắp sáng niềm tin của Nhân dân vào pháp luật và công lý.

Để không ngừng củng cố và nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, Nhà nước cần quan tâm thường xuyên đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện về tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện và nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, thu hút các nguồn lực xã hội, tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, tìm hiểu pháp luật, tạo thành phong trào có tính quần chúng rộng rãi và hiệu quả.

Báo chí và truyền thông có vai trò to lớn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong những năm qua, các cơ quan báo chí và truyền thông đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc làm cầu nối giữa các cơ quan ban hành pháp luật, thực thi pháp luật và các tầng lớp nhân dân, đưa pháp luật đến với người dân, đồng thời phản ánh ý chí, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện trong thời gian qua vẫn chưa thật thường xuyên, liên tục, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả vẫn còn hạn chế; chưa thật sự đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới.

Trong bối cảnh các mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, các cơ quan báo chí, truyền thông của Nhà nước, của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội cần đề cao trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ hoạt động báo chí, truyền thông, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Việc cập nhật thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật mới, chính sách mới, hoạt động chấp hành và thực hiện pháp luật, các điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện pháp luật phải là những nội dung thường nhật trên các trang báo viết, trang tin điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình.

Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện báo chí và truyền thông cần chú trọng cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thảo luận, tiếp thu chỉnh lý và thông qua các dự án luật, đặc biệt các dự án luật được dư luận và cử tri quan tâm, liên quan đến chủ quyền quốc gia, đến quốc kế, dân sinh, quyền con người, để người dân được cung cấp, được tiếp cận kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống, tạo đồng thuận xã hội, ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, phiến diện với mục đích xấu.

Các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật, các cơ sở đào tạo luật, đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp có vai trò quan trọng trong nâng cao ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Do vậy, cần có giải pháp nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức này trong việc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức, công chức, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện phổ biến giáo dục pháp luật.

Kỷ niệm 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11-2013 - 9-11-2018) cũng là dịp nhìn lại 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 có thể thấy rằng, các giá trị của bản Hiến pháp đã và đang được khẳng định, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật thấm sâu vào mọi quan hệ xã hội, mỗi công dân, mỗi cộng đồng, mỗi tổ chức và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, phấn đấu biến khẩu hiệu “Sống, lao động và học tập theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành hiện thực sinh động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

NGUYỄN THỊ KIM NGÂN - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội