Gỡ vướng thủ tục BHXH cho lao động nước ngoài

08/11/2018 09:45 AM


Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, lao động, tiền lương, công đoàn, ngày 6/11, BHXH TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động TP và Sở LĐ-TB&XH TP tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại với sự tham gia của đại diện hơn 400 đơn vị, DN sử dụng lao động. Tại Hội nghị, nhiều DN bày tỏ sự vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện thủ tục BHXH cho lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Hiện cả nước có trên 80.000 NLĐ nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP, BHXH TP, Sở LĐ-TB&XH TP chủ trì đối thoại với đại diện các doanh nghiệp.

Do vậy, việc áp dụng chính sách BHXH đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc. Luật BHXH năm 2014 quy định đối với NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Đặc biệt mới đây, Nghị định số 143/ 2018/ NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.

Tuy nhiên, đến nay, việc DN thực hiện tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài vẫn chưa thực hiện do chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Và thực tế, khi áp dụng Nghị định này vào những tình huống cụ thể phát sinh trong thực tiễn, nhiều DN còn tỏ ra bối rối và vướng mắc khi thực hiện.

Có thể thấy, điều đại diện các DN băn khoăn nhiều nhất là rào cản về ngôn ngữ khi tham gia BHXH đối với NLĐ nước ngoài. Khó khăn lớn nhất khi NLĐ nước ngoài tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu ở các cơ sở y tế thì những cơ sở y tế này chưa hướng dẫn các mức hưởng bằng tiếng nước ngoài hoặc có cán bộ chuyên môn phụ trách đảm nhiệm.

Trong khi NLĐ nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, nếu người nước ngoài đăng ký KCB tại cơ sở quốc tế thì chi phí rất lớn, vượt quá khả năng chi trả của quỹ BHXH. Đồng thời, NLĐ nước ngoài làm việc có thời gian không dài theo quy định để hưởng chế độ BHXH nên việc giải quyết thủ tục gặp khó khăn.

Trong phần đối thoại của Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan trên đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi được đại diện các DN đưa ra tập trung phản ánh nhiều nội dung vướng mắc các vấn đề như: Đóng BHXH cho NLĐ được ký hợp đồng 01 tháng trở lên; cách xây dựng thang bảng lương cho NLĐ làm trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại; đóng BHXH cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng giải quyết đóng trùng bảo hiểm của NLĐ…

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại.

Đặc biệt, rất nhiều ý kiến băn khoăn việc tham gia BHXH cho NLĐ nước ngoài đang làm việc tại DN mình. Cụ thể, một DN tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên) sử dụng lao động nước ngoài đã 57 tuổi, nếu 01/12/2018 phải đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì sau này khi NLĐ đó hết hợp đồng lao động khi về nước, quyền lợi về BHXH sẽ được chi trả như thế nào?

Tương tự như vậy, một DN thắc mắc rằng NLĐ nước ngoài chuyển từ Nhật Bản sang, chỉ có giấy phép lao động không có hợp đồng lao động (theo hình thức di chuyển nội bộ) thì công ty có phải đóng BHXH cho NLĐ đó không? Cụ thể hơn, chị Nguyễn Thị Hằng, đại diện công ty Yamaha Việt Nam mong muốn được giải đáp câu hỏi NLĐ nước ngoài 61 tuổi có thuộc đối tượng phải đóng BHYT, BH thất nghiệp hay không?

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP cho biết, phải căn cứ Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam để tổ chức thực hiện.

Theo đó, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Những người không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 11; NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo Khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Về vấn đề mức đóng và phương thức đóng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động.

Từ ngày 01/01/2020, ngoài việc đóng vào quỹ ốm đau thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì hàng tháng người sử dụng lao động đóng 14%; NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Còn đối với trường hợp NLĐ nước ngoài là nữ trên 55 tuổi và nam trên 60 tuổi ở các DN nếu còn hợp đồng lao động, vẫn đóng BHYT, BHXT, BH thất nghiệp bình thường.

Phó Giám đốc BHXH TP cũng cho biết thêm vì Nghị định này còn mới, chính thức có hiệu lực vào tháng 01/12/2018, do đó các thông tư và văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam trong thời gian tới sẽ đến các đơn vị và DN cụ thể và rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, ông Thuật cũng nhấn mạnh, trước khi có những hướng dẫn cụ thể, các cơ quan, đơn vị chức năng, nhất là bộ phận làm việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài cần chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện. Bởi việc tham gia BHXH cho NLĐ nước ngoài là cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như DN./.

Theo Báo LĐTĐ