Truyền thông chính sách - kinh nghiệm từ Hàn Quốc: Bài 1 - Thay đổi phương thức

06/11/2018 03:51 PM


Từ đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Truyền thông Munhwa (MBC) nổi tiếng của Hàn Quốc đã tổ chức phát sóng thời sự trên Facebook vào 9h tối hàng ngày, hướng tới đối tượng khán giả nữ từ 28-30 tuổi. Mỗi chương trình gồm 4 tin, mỗi tin chỉ dài 43 giây, do chính những phóng viên, biên tập viên trong độ tuổi này thực hiện. Sau 10 ngày phát đã có tới 10.000 lượt người theo dõi…

Tận dụng mạng xã hội

Trong bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ, thói quen, cách thức cập nhật thông tin của người dân đã thay đổi. Số người xem tin tức thời sự qua các phương tiện truyền thông truyền thống như tivi, báo in giảm mạnh, thay vào đó là điện thoại di động. Thực tế này đòi hỏi cách đưa tin, truyền thông điệp chính sách cũng phải thay đổi để bắt kịp nhu cầu thông tin của độc giả. Ghi nhận của PV Báo Đại biểu Nhân dân từ chuyến tập huấn tại Hàn Quốc mới đây.

Đại diện MBC cho biết, để ra được chương trình hơn 100 giây phát hàng ngày trên mạng xã hội Facebook như hiện nay, công ty đã phải nghiên cứu trong… 3 năm về thói quen đọc tin tức, sử dụng điện thoại di động của nhóm đối tượng này. Trong 4 tin, thông thường sẽ có 2 tin thời sự trong ngày, 2 tin về vấn đề xảy ra trước đó 1-2 ngày nhưng là mối quan tâm của những khán giả nữ 28-30 tuổi, do 100 cán bộ, phóng viên chia làm 2 kíp thực hiện.

Đại diện MBC giới thiệu chương trình thời sự phát trên Facebook hướng tới đối tượng khán giả nữ trong độ tuổi 28 – 30.

Không chỉ MBC mà các hãng thông tấn, đài truyền hình lớn của Hàn Quốc hiện nay đều phát triển những hình thức đưa tin phù hợp với phương tiện truyền thông mới (điện thoại di động), trong đó mạng xã hội được tận dụng triệt để. Đầu tháng 10 vừa qua, hãng thông tấn Yonhap cho ra mắt kênh tin tức bằng tiếng Anh mang tên “KOREA NOW” trên Youtube, nhằm đưa đến cho người xem những hình ảnh mới về bán đảo Triều Tiên nói chung, và văn hóa, đời sống của Hàn Quốc nói riêng. Trung bình mỗi ngày kênh này sản xuất từ 1-2 video. Hay JTBC - đài truyền hình mới thành lập 4-5 năm nay, đang hợp tác chặt chẽ với Youtube phát tin đồng thời, và có nhiều kênh phụ phát trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút gần 1 triệu người xem định kỳ. Nhật báo Chosun cũng có kênh truyền hình trên internet, sắp tới sẽ phát thời sự 24/24h…

Theo GS. Jaeyung Park, Trường ĐH Báo chí và Truyền thông, ĐH Tổng hợp Korea, thống kê giai đoạn 2011-2017 cho thấy, thói quen sử dụng truyền thông của người dân Hàn Quốc thay đổi rõ rệt. Số người đọc báo giấy từ 44,4% giảm còn 16,7%, trong khi đó, số người đọc tin tức trên mobile internet từ 36,7% tăng lên 82,3%, đặc biệt trong thanh niên độ tuổi 20-30, tỷ lệ này tới 99,2%. Riêng mảng tin tức thời sự, nếu năm 2011, người dân chủ yếu xem qua truyền hình (chiếm tới 95,3%), thì nay nó vẫn dẫn đầu các phương tiện truyền thông liên quan, nhưng đã phải chia sẻ người xem với 6.360 trang thông tin điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook hay Youtube, Kakao Talk... Từ năm 2017, Youtube tăng nhanh thị phần, với số người xem định kỳ 730.000 người. Đại diện kênh truyền hình Yonhap Choi Min Ki bổ sung, theo điều tra qua internet với 1.017 sinh viên đại học về kênh tiếp cận thông tin thời sự 3 tháng gần đây, 93,1% trả lời là qua cổng trực tuyến Naver, 42% qua mạng xã hội…

Từ thực tế này, dễ hiểu khi các cơ quan truyền thông, thậm chí cả chính quyền các thành phố, đều tận dụng mạng xã hội cũng như những nền tảng công nghệ mới để tiếp cận và phục vụ công chúng. Thị trưởng TP Seoul là người hoạt động tích cực trên mạng xã hội với 2,4 triệu người theo dõi. Ông có hẳn một đội chăm sóc tài khoản mạng xã hội của mình…

Ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn

GS. Jeong Se Hun - từng là cố vấn cho cổng thông tin Naver và Bộ Môi trường Hàn Quốc - đúc kết 4 yếu tố chính của truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay là: Source (nguồn tin), Message (thông điệp), Channel (phương tiện) và Receiver (người tiếp nhận). Cả 4 yếu tố này đều phải tốt thì thông tin chính sách được truyền đến đối tượng mới hiệu quả.

Mặc dù số người xem tin tức thời sự qua các phương tiện truyền thông truyền thống như TV, báo in đã giảm mạnh, song giới trẻ vẫn rất quan tâm đến thời sự và các chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, do thói quen, phương tiện đọc tin tức thay đổi, dẫn đến cách tiếp cận cũng như nội dung thông tin cũng phải đổi mới, ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn. “Xem tin tức trực tuyến, mức độ nhẫn nại của độc giả thấp hơn. Vì thế, khi làm tin, thông tin quan trọng phải xuất hiện trước” - ông Kim Kyeong Dal (CEO Neo TouchPoint) nêu kinh nghiệm.

Những người sinh sau năm 1995 được gọi là thế hệ Z, thế hệ I - những công dân đám mây. Trưởng thành trong môi trường kỹ thuật số, cùng lúc họ có thể sử dụng trên 5 loại thiết bị ngoài điện thoại di động. Phần lớn cuộc sống của họ - từ trao đổi với gia đình, tương tác với bạn bè, cho đến mua sắm, học hành - đều được thực hiện trên internet, chủ yếu là trên điện thoại thông minh. TS. Yang Yun Jae, Khoa Marketing, Trường ĐH Hanyang Cyber, cho biết, đây là đối tượng đích trong truyền thông chính sách của Hàn Quốc. “Mốt của giới trẻ Hàn Quốc mấy năm nay là lên Facebook không gõ chữ mà đưa hình ảnh động”. TS. Kim Kyeong Dal thì dẫn câu nói của CEO AT&T (Mỹ): “Tương lai của mobile là video và tương lai của video là mobile”. Nắm bắt được thị hiếu này, cổng trực tuyến Naver đang đầu tư về mặt âm thanh. Còn xu hướng thế giới là các báo đều có trường quay và sẽ sản xuất tin hình.

GS. Jaeyung Park phân tích thêm, phương thức tiêu thụ thông tin mới của đại chúng là chia sẻ với mọi người thông tin mình quan tâm qua các trang mạng xã hội (hoặc là thông tin lý thú; hoặc là thông tin bổ ích). Điều này giải quyết mối lo của các cơ quan báo chí về việc lưu thông sản phẩm thời sự mình sản xuất, bởi người đọc là một kênh lan tỏa thông tin. Chính vì vậy, báo chí cần tìm hiểu người đọc muốn thông tin gì, trích dẫn được thông điệp chính của chính sách để truyền tải đến người dân một cách hiệu quả. Đại diện kênh truyền hình Yonhap Choi Min Ki cho rằng, chiến lược truyền thông chính sách của thời đại kỹ thuật số là thông tin nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa, quan trọng nhưng phải lý thú, đa đạng và có ích./.

Theo Báo ĐBND