Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT: Giải pháp hữu hiệu hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

20/06/2017 02:30 PM


Trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền về an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời gắn liền với hiệu quả thực thi các chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ BHXH, BHYT.

Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội nghị trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách năm 2017 của BHXH Việt Nam.

Tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT đi vào chiều sâu

BHXH và BHYT là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên. Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu: Thông qua hoạt động tuyên truyền, giám sát để thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật; Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện luật; Phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu.

BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT

cho các cơ quan thông tấn báo chí.

Tôi đánh giá cao thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí. Có thể nói, công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT đã được nâng lên tầm cao mới. Hầu như hằng ngày trên sóng của Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, trên các mặt báo ở Trung ương và địa phương đều có tin, bài, phóng sự, tọa đàm… về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016, tại tất cả các loại hình báo chí ở cả Trung ương và địa phương đã đăng tải hơn 9.000 tin, bài, phóng sự, các cuộc phỏng vấn, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, đối thoại tư vấn trực tiếp về BHXH, BHYT. Trong đó, trên 4.900 tin, bài, phóng sự... được các cơ quan báo chí TW thực hiện; tăng 1,3 lần so với năm 2015.

Mặt khác, công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT trên báo chí đã ngày càng đi vào chiều sâu. Những thay đổi về chính sách, hoạt động của Ngành như: Thực hiện Luật BHXH sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT; triển khai BHYT hộ gia đình; thông tuyến KCB BHYT… đều được báo chí phản ánh kịp thời, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức của người dân về BHXH, BHYT. Đặc biệt, việc thông tin các vấn đề “nóng” về lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nợ đọng BHXH... đã góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn các các hành vi vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT, đồng thời, giúp các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, thể hiện: Hiệu quả công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH của các cơ quan quản lý có nơi còn hạn chế, nặng tính hình thức, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; Các hoạt động tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp cả về nội dung và hình thức, tuy nhiên, nội dung tuyên truyền đôi khi vẫn còn chưa thực sự phù hợp, nhất là với nhóm đối tượng tại những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số; Những hạn chế, tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT mặc dù đã được đề cập đến trong các chương trình, song vẫn chưa có điều kiện phân tích chuyên sâu và liên tục về nguyên nhân, hậu quả; Một số tin, bài chưa thật sự khách quan đã gây hiệu ứng xã hội không tốt; Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ...

03 giải pháp trọng tâm

Qua thực tiễn giám sát về BHXH, BHYT, các kiến nghị giám sát luôn nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, BHXH. Do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 “Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan BHXH và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT”.

Tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, nhất là việc chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tự nguyện.

Có hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT phù hợp với các tầng lớp nhân dân khác nhau để người lao động và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT; về chính sách, quy trình thực hiện BHXH, BHYT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó như là một chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội. Để làm được điều này, cần xây dựng nội dung tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực sự có chất lượng để nâng cao hiệu quả các cuộc tuyên truyền tại cơ sở, giúp người dân hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT từ đó tích cực tham gia.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là, cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giám sát pháp luật và động viên nhân dân chấp hành đúng pháp luật, nêu gương những điển hình tốt và phê phán những lệch lạc, sai phạm.

Do các yếu tố đặc thù nói trên, nên việc tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đòi hỏi các phòng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật thì việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả.

 Chủ động vượt qua mọi thách thức trên, đưa Luật BHXH, Luật BHYT vào cuộc sống trên cơ sở tổ chức thực hiện một cách căn cơ và nghiêm túc chính là đảm bảo ASXH cho người dân. Theo đó các giải pháp cần được tính đến bao gồm:

Thứ nhất, tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong Luật.

Nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động. Các nội dung này nên được xác định thống nhất với một sự chỉ đạo chung, nhất quán theo một kế hoạch tổng thể từ sự thống nhất của hai cơ quan Bộ LĐ-TB&XH với BHXH Việt Nam. Khắc phục tính hình thức và dàn trải.

Xác định một cách đầy đủ hơn vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, sự vào cuộc có hiệu quả của cơ quan thông tấn, báo chí... trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT. Sự phối hợp chặt chẽ có nội dung, kế hoạch, có chương trình hành động thiết thực sẽ tác động tốt đối với người lao động trong nhận thức cũng như trong việc chủ động tham gia các loại hình BHXH theo Luật định.

Hội nghị trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách năm 2017 của BHXH Việt Nam.

Đổi mới các hình thức tuyên truyền tránh hình thức. Lựa chọn hình thức nào có kết quả theo đó, các cơ quan, tổ chức nên đánh giá lại hoạt động tuyên truyền này trong thời gian qua để có thể lựa chọn được các hình thức nào cần được tập trung hơn và mở rộng hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, bảo đảm đúng tiến độ trong việc thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật BHXH theo quy định của Chính phủ với chất lượng cao, thuận tiện trong thực thi và khả thi trong áp dụng.

Thứ ba, chủ động xác định nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm quyết định những quy định đã ghi trong Luật: thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ.

Để có cơ sở cho các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch tổng thể về lộ trình gia tăng quy mô người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu tăng độ bao phủ người lao động tham gia BHXH, BHYT đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Giai đoạn từ 2016 - 2020, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHYT thực hiện theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT. Các bộ ngành chức năng cần chủ động xác định nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm quyết định những quy định đã ghi trong Luật BHYT.

Tất cả các giải pháp nêu trên không ngoài mục đích khắc phục những thách thức đặt ra khi triển khai Luật BHXH, BHYT trong thời gian tới. Giải quyết tốt các biện pháp nêu trên cũng sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho việc thực hiện Nghị quyết số 21NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2010./.

TS.Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội