Đề xuất điều chỉnh định mức kỹ thuật trong khám chữa bệnh
03/05/2017 10:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Hội nghị thông tin định kỳ của BHXH Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: BHXH Việt Nam đang đề nghị Bộ Y tế xem xét thực hiện định mức kỹ thuật trong giá dịch vụ khám chữa bệnh để sát với thực tế và đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm thất thoát Quỹ BHYT.
Tính đến ngày 31/03/2017 cơ quan BHXH đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 2.169 cơ sở, trong đó: 1.494 cơ sở y tế công lập; 453 cơ sở y tế ngoài công lập và 222 đơn vị là y tế cơ quan. Theo tuyến có: 43 cơ sở tuyến trung ương, 644 cơ sở tuyến tỉnh, 1.242 cơ sở tuyến huyện, 240 cơ sở tuyến xã. Theo hạng có: 05 bệnh viện hạng đặc biệt, 137 bệnh viện hạng I, 385 bệnh viện hạng II, 751 bệnh viện hạng III, 28 bệnh viện hạng IV và 863 cơ sở y tế chưa xếp hạng. Tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng giải đáp một số thắc mắc về những vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT; thông tin về việc BHXH Việt Nam đang đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí mà các cơ sở KCB đề nghị thanh toán “vượt” định mức quy định; “treo” số chi phí vật tư y tế (VTYT) kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo Thông tư 37/TTLT-BYT-BTC bị thừa so với sử dụng thực tế của cơ sở y tế... Theo ông Vũ Xuân Bằng, thông qua công tác giám định, kiểm tra, kiểm toán, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều bất cập trong việc quy định giá dịch vụ và thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Định mức kinh tế kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở quy trình kỹ thuật thực hiện dịch vụ và thực tế thực hiện DVKT đó. Hiện nay giá dịch vụ KCB bao gồm chi phí: (1) Thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao; (2) Điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; (3) Duy tu, bảo dưỡng tài sản; (4) Tiền lương, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật. Năm 2012, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 355/QĐ-BYT và 508/QĐ-BYT quy định tạm thời định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao điện nước… của 447 dịch vụ y tế. Trên cơ sở các định mức này, liên Bộ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 04/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012, quy định mức giá tối đa của các dịch vụ y tế. Trên cơ sở giá tối đa do liên Bộ quy định, Hội đồng Nhân dân các tỉnh quyết định mức giá của địa phương mình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng cung cấp dịch vụ y tế. Giai đoạn này, do các địa phương chủ yếu phê duyệt mức giá bằng 70%- 80% mức giá tối đa nên vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật khó giám sát chặt chẽ do các cơ sở KCB cho rằng mức giá phê duyệt thấp nên định mức tương ứng cũng phải thấp. Tuy nhiên, mức giá ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã lấy mức giá tối đa của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC và Thông tư liên tịch số 03/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH làm giá tính đủ của 3 yếu tố (thuốc, hóa chất, VTYT tiêu hao + chi phí điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường + chi phí duy tu bảo dưỡng) và cộng thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp thường trực và chi phí tiền lương của nhân viên y tế, các chi phí này được tính toán dựa vào định mức thời gian và nhân lực thực hiện DVKT. Thời gian qua, thông qua công tác giám định, kiểm tra, kiểm toán, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều bất cập trong việc quy định giá dịch vụ và thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Về số lượt khám bệnh, số lượt thực hiện dịch vụ kỹ thuật, theo Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 của Bộ Y tế quy định bình quân 1 bác sĩ khám/ngày (8 giờ làm việc) tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 45 lượt, bệnh viện hạng II, hạng III là 35 lượt, bệnh viện hạng IV là 33 lượt. Đồng thời, Quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế quy định: phấn đấu năm 2015 tối đa mỗi buồng khám trung bình 50 người bệnh/1 ngày (8 giờ), năm 2020 tối đa 35 người bệnh/1 ngày, trường hợp số lượng người bệnh tăng đột biến do thì phấn đấu tối đa mỗi buồng khám không tăng quá 30% chỉ tiêu trên. Quy trình khám bệnh đã ban hành được 3 năm, nhưng nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) không thực hiện đúng quy trình này. Thực tế tại các cơ sở KCB thời gian qua số lượng người bệnh KCB ngoại trú/1 bàn khám/1 ngày vượt chỉ tiêu nêu trên gấp nhiều lần, ví dụ tại tỉnh Nghệ An, Bệnh viện đa khoa thành phố có ngày số lượng bệnh nhân/1bàn khám/ngày là 180 người; có Bệnh viện đa khoa tuyến huyện có số lượng bệnh nhân/1 bàn khám/ngày là 120 người. Bên cạnh đó, về việc kê thêm giường bệnh và định mức nhân lực cho giường bệnh, theo Quyết định số 3959/QĐ-BYT, số lượng bác sĩ/1 giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I bình quân là 0,101 (có nghĩa là 1,1 Bác sĩ/10 giường bệnh), tại bệnh viện hạng II là 0,084, tại bệnh viện hạng III là 0,083 và bệnh viện hạng IV là 0,082 (định mức này có khác nhau giữa các khoa lâm sàng). Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bệnh viện đã tự kê thêm giường bệnh với số lượng nhiều hơn rất nhiều so với giường kế hoạch được giao và cũng vượt nhiều so với định mức nhân lực quy định nêu trên. Đơn cử, Bệnh viện đa khoa huyện hạng II của tỉnh Thanh Hóa, có 98 cán bộ nhân viên, trong đó có 21 bác sĩ, giường kế hoạch được giao là 80 giường, nhưng thực tế bệnh viện đã kê là 300 giường bệnh, tỷ lệ nhân lực/01 giường bệnh = 0,3. Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Sơn La là bệnh viện hạng II, có 113 cán bộ nhân viên, trong đó có 20 Bác sĩ, giường kế hoạch là 120 giường nhưng thực kê là 332 giường, tỷ lệ nhân lực/1 giường bệnh = 0,3. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là Bệnh viện hạng I, số giường kế hoạch là 550 giường nhưng bệnh viện thực kê là 965 giường... Nhiều giường bệnh kê thêm không đảm bảo tiêu chuẩn như kê ở những phòng không có điều hòa, kê ở hành lang… việc không đảm bảo đủ nhân lực cho 1 giường điều trị sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị. Mặt khác, cũng dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết. Qua các đợt kiểm tra đột xuất, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 43/43 bệnh nhân điều trị nội trú của Khoa Đông y - phục hồi chức năng và 43/43 bệnh nhân của khoa Liên chuyên khoa của một bệnh viện không nằm điều trị nội trú ban đêm, các khoa phòng của cả hai khoa đều đóng cửa, tắt đèn.
Còn về định mức VTYT, kiểm toán chi phí KCB BHYT năm 2015 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho thấy số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả các DVKT của toàn viện chỉ bằng 30% so với định mức găng tay được tính trong 02 dịch vụ khám bệnh và ngày giường bệnh, số tiền chênh lên tới 1,2 tỉ đồng; tại bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình, số kim châm cứu thực tế sử dụng chỉ bằng 5% số kim châm cứu theo định mức, số tiền chênh lệch lên tới 1,7 tỉ đồng... Với quan điểm, việc quy định định mức kỹ thuật cho các DVYT vừa là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ; đồng thời là tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng DVYT. Do đó, việc nhiều cơ sở y tế có số lượng người bệnh KCB ngoại trú/1 bàn khám/1 ngày vượt chỉ tiêu nhiều lần; hay nhiều BV tự kê thêm giường bệnh, thậm chí tăng gần 4 lần số giường kế hoạch... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị. Mặt khác, còn dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết. BHXH Việt Nam đã có công văn số 1134/BHXH-CSYT kiến nghị Bộ Y tế xem xét về việc thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật trong giá dịch vụ KCB và sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 37. Theo đó, Bộ Y tế tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực tế thực hiện dịch vụ KCB tại cơ sở KCB các tuyến để xem xét sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm bù đắp chi phí thực tế thực hiện dịch vụ; thống nhất thu hồi về quỹ BHYT đối với phần chi phí chênh lệch VTYT chưa sử dụng hết theo định mức. Bộ Y tế sớm có quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ KCB, bảo đảm mức chi trả gắn liền với chất lượng dịch vụ; Hướng dẫn cụ thể về mức chênh lệch tối đa giữa phần VTYT chưa sử dụng hết do tiết kiệm so với định mức theo quy định trong trường hợp cơ sở tiết kiệm VTYT khi cung ứng dịch vụ KCB; tăng cường chất lượng dịch vụ KCB khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tại cơ sở KCB các tuyến. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT tại các cơ sở KCB.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?