Bảo đảm các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa và an sinh xã hội cho người khuyết tật

16/10/2024 08:30 AM


Ngày 15/10, tại vùng Umbria, miền Trung Italia, Hội nghị G7 về Hòa nhập và Người khuyết tật đã chính thức khai mạc.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng của G7 bàn về người khuyết tật và các vấn đề liên quan. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi làm trưởng đoàn, tham gia sự kiện.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với công tác người khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ tại hội nghị về người khuyết tật (Ảnh: Nhật Minh).

Cụ thể, ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền bình đẳng của mọi công dân đã được ghi nhận. Trong Hiến pháp nhấn mạnh rằng, tất cả công dân Việt Nam, bao gồm người khuyết tật, đều có quyền tham gia vào chính quyền và xây dựng đất nước, cũng như công cuộc kiến quốc dựa trên tài năng và đạo đức của mình.

Những quy định này tiếp tục được kế thừa trong các bản Hiến pháp sửa đổi qua các năm 1959, 1980, 1992, và gần đây nhất là Hiến pháp 2013, khẳng định sự bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, bao gồm cả quyền của người khuyết tật.

Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của họ.

Tiếp đó, năm 2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử trong lao động và việc làm.

Đến năm 2022, Việt Nam tiếp tục gia nhập Hiệp ước Marrakesh, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật khiếm thị tiếp cận chữ viết và các tác phẩm sáng tạo thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, để hiện thực hóa Hiến pháp và các cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật.

Nổi bật là Luật Người khuyết tật năm 2010, cùng với các luật liên quan như Bộ luật Lao động, Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Giao thông và Luật Trợ giúp pháp lý, quy định những chính sách đặc thù hỗ trợ người khuyết tật.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Nhật Minh).

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam để chỉ đạo và giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác hỗ trợ người khuyết tật trên toàn quốc.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm bảo vệ, chăm lo và hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Các chương trình tiêu biểu bao gồm chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và chương trình trợ giúp người khuyết tật.

Những chính sách này nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ và toàn diện các quyền con người và quyền của người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa và an sinh xã hội xã hội.

Ngoài ra, Nhà nước cũng tập trung vào việc đảm bảo trẻ em khuyết tật có cơ hội được đến trường, hỗ trợ người khuyết tật học nghề, có việc làm và sinh kế bền vững, cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ nhà ở và chăm sóc y tế. Đồng thời, người khuyết tật cũng được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, giao thông và các dịch vụ công cộng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một điểm sáng trong công tác giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm nhanh chóng, từ 60% năm 1990 xuống còn 13,5% vào năm 2014, và đến năm 2023 chỉ còn khoảng 5%. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam không ngừng mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách dành cho người khuyết tật. Hiện có hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng đang được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, và 96% người khuyết tật đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trẻ em khuyết tật cũng nhận được hỗ trợ để hòa nhập học tập tại các cơ sở giáo dục thông thường, và với những em không thể học hòa nhập, các cơ sở giáo dục chuyên biệt được thiết lập để đáp ứng nhu cầu của các em.

Hiện nay, gần 4 triệu lao động là người khuyết tật tại Việt Nam được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm và sinh kế. Ngoài ra, họ còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự tạo cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, người khuyết tật cũng được quan tâm trong nhiều lĩnh vực khác như giao thông, vui chơi giải trí, và tham quan các công trình văn hóa, di tích lịch sử, nơi họ được hưởng chính sách miễn, giảm giá vé.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác trợ giúp người khuyết tật. Việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm, và cải thiện khả năng tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông, thể thao, và văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, người khuyết tật vẫn gặp trở ngại trong việc cạnh tranh trên thị trường lao động, do thiếu những điều kiện và hỗ trợ cần thiết để họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước G7 cũng như các đối tác song phương và đa phương trên toàn cầu.

Mục tiêu của Việt Nam là đạt được sự bao trùm và hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tiếp cận các công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cụ thể hóa các Công ước quốc tế và các cam kết vào hệ thống pháp luật quốc gia, nâng cao chất lượng chính sách, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người khuyết tật", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các nước G7 để cải thiện cuộc sống của người khuyết tật trong thời gian tới.

Vũ Thu